Không công bố dịch tay chân miệng

21/08/2011 01:11 GMT+7

Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi giao lưu trực tuyến với các tỉnh thành về tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) hôm qua 20.8.

Bước vào buổi giao lưu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn yêu cầu 6 tỉnh thành có số mắc bệnh TCM cao nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang báo cáo tình hình bệnh TCM để Bộ Y tế xem xét lần nữa trước khi công bố hay không công bố dịch. TS-BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết bệnh TCM bùng phát tại TP cuối tháng 3 và đỉnh cao nhất của bệnh là tuần thứ 23-25, với hơn 500 ca mắc/tuần; ngày có số mắc nhập viện cao nhất lên đến 101 ca/ngày (22.6); bệnh tập trung ở Q.8, Q.Bình Tân, Tân Phú, Q.7... Cộng dồn đến nay TP có hơn 7.683 ca mắc, 24 ca tử vong. Sau đó bệnh có xu hướng giảm xuống, hiện nay còn khoảng 230 ca/tuần. Trong 4 ngày gần đây nhất, mỗi ngày chỉ còn 50 ca nhập viện. "Chúng tôi nhận thấy, bệnh có xu hướng giảm; hội đồng chuyên môn của Sở Y tế và các bệnh viện đã họp xem xét và nhận thấy TP.HCM chưa phải công bố dịch. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã báo cáo cho UBND TP và UBND cũng quyết định chưa công bố dịch".

 

Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng quá tải, trẻ mắc TCM phải nằm hành lang - Ảnh: Nguyên Mi

Tương tự, đại diện tỉnh Bình Dương cho biết đến nay tỉnh này có 1.402 ca mắc TCM, 9 ca tử vong (1-4 tuổi). Ngày có số mắc cao nhất có 27 ca (ngày 18.7); tuần mắc cao nhất 123 ca/tuần và tháng cao nhất là tháng 7 với 403 ca; bệnh xảy ra rải rác, đều và xem xét thấy chưa có đủ điều kiện để công bố dịch. Đại diện tỉnh Bến Tre báo cáo đến nay tỉnh có 1.797 ca mắc, 2 ca tử vong; tuần mắc cao nhất 175 ca, ngày mắc cao nhất 37 ca/ngày (hai ngày 16.7 và 18.7); bệnh cũng giảm dần, những ngày gần đây, bình quân có 3-4 ca nhập bệnh viện tỉnh… nên chưa đến mức phải công bố dịch. Tỉnh Tiền Giang đến ngày 14.8 tổng cộng có 1.653 ca mắc, 3 ca tử vong (đều dưới 3 tuổi), hiện bệnh đã giảm bớt. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay có 1.513 ca mắc, 6 ca tử vong, bệnh nhiều nhất tại TP Vũng Tàu (chiếm 75%), hiện bệnh đã giảm. Tỉnh Đồng Nai đến nay có 3.684 ca mắc, 7 ca tử vong, hiện bệnh đã giảm xuống… nên chưa cần công bố dịch.

Sau khi nghe các tỉnh báo cáo tình hình bệnh TCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) báo cáo tình hình điều trị, cộng với yếu tố chưa xuất hiện chủng vi-rút mới (chủ yếu vẫn là EV71)…, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định: "Như vậy là bệnh TCM giảm dần và có xu hướng chững lại. Do vậy, chúng ta thống nhất, hiện chưa công bố dịch TCM".

Lo cho năm 2012

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn yêu cầu các địa phương từ nay đến cuối năm phải quyết liệt trong phòng chống bệnh TCM, nếu không, bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát rất nguy hiểm và dịch sẽ xảy ra trong năm tới. "Tôi rất lo cho năm 2012, nếu các tỉnh thành không làm tốt, khi đó sẽ đáng sợ hơn - bệnh sẽ xảy ra ở nhiều đối tượng và tính chất dịch bệnh”, ông Huấn nói.

Thứ trưởng yêu cầu trong những ngày tới, Viện Pasteur TP.HCM phải tổ chức kiểm tra công tác phòng chống bệnh TCM tại các tỉnh liên tục; yêu cầu y tế các tỉnh, thành thực hiện triệt để nội dung công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân, làm sao để dân hiểu rõ, phòng bệnh tốt; yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo công điện của Thủ tướng để trình Bộ. Sau đó, Cục Y tế dự phòng sẽ có báo cáo với Bộ Y tế về việc, địa phương nào hoàn thành, địa phương nào chưa hoàn thành kế hoạch trước ngày 25.8.

Có dấu hiệu trục lợi

Trao đổi với PV sau buổi trực tuyến, lãnh đạo ngành y tế một tỉnh phía Nam bức xúc: "Những ngày gần đây, trước tình hình bệnh TCM gia tăng, các công ty bán hóa chất Cloramin B (loại Nhà nước mua để phát cho người dân cũng như để khử khuẩn phòng bệnh tại các trường học, môi trường) đã tự ý nâng giá bán. Lâu nay, giá mỗi kg Cloramin B chưa đến 100 ngàn đồng, nhưng mấy ngày qua các công ty đưa ra giá bán từ 128-140 ngàn đồng/kg (xuất xứ châu u) và hơn 100 ngàn đồng/kg (loại của Trung Quốc). Tỉnh tôi dự kiến mua hơn 60 tấn, nếu họ nâng giá thì sẽ đội chi phí lên rất cao".

Thanh Tùng

Đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch

Tính đến ngày 20.8, tỉnh Bạc Liêu có 522 ca mắc bệnh TCM (3 ca tử vong), tăng gấp 58 lần so với cùng kỳ năm 2010. Cùng thời gian, trên địa bàn phát hiện 933 ca sốt xuất huyết (SXH); trong đó có 200 ca mắc độ 3, 4 và có 2 ca tử vong. Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 8, bệnh TCM gia tăng bất thường và lan rộng tất cả các xã phường, thị trấn trong toàn tỉnh, dẫn đến có nguy cơ dịch chồng dịch trong khi người dân khó phân biệt 2 loại bệnh chưa có thuốc đặc trị này.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong các ngày qua, đoàn cán bộ Bộ Y tế do ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, làm trưởng đoàn đến kiểm tra tình hình chống dịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo ông Hữu, Bạc Liêu có số ca mắc bệnh TCM đứng thứ 13 trên cả nước. Đặc biệt, hiện nay bệnh đang bước vào cao điểm, nên cần có bệnh pháp phòng trị hiệu quả. Điều lo ngại nhất là khi tiếp xúc với người dân vùng mắc bệnh cũng như người nhà bệnh nhân, phần lớn chưa nắm được thông tin về dịch bệnh, còn chủ quan, chưa quan tâm đến phòng bệnh cho người thân trong gia đình…

Ông Nguyễn Minh Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết ngành y tế địa phương đã phát hiện và tận diệt gần 300 ổ dịch TCM và hơn 60 ổ dịch SXH. Theo dự báo, bệnh TCM và SXH tăng vào 6 tháng cuối năm, đỉnh dịch vào tháng 9, 10 tới. Bạc Liêu chỉ đạo các ngành các cấp vào cuộc, quyết tâm không để phát sinh thêm ổ dịch mới, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Trong khi đó, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn có gần 400 ca mắc TCM (1 ca tử vong), tăng 130% so với cùng kỳ năm 2010. Bên cạnh đó, có 833 ca mắc SXH, 2 ca tử vong. Đặc biệt, trong 2 tuần gần đây, mỗi tuần Kiên Giang có gần 50 ca mắc TCM và bệnh đã lan ra khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Theo dự đoán, bệnh TCM sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới và có nguy cơ bùng phát thành dịch tại nhiều địa phương.

Trần Thanh Phong - Chí Nhân

Thanh Tùng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.