Một tượng đài âm thanh

21/08/2011 01:24 GMT+7

Một người bạn thuở nhỏ và thuở đi chiến trường vừa gọi điện cho tôi: “Tại sao không có tên nhạc sĩ Phạm Tuyên trong danh sách đề cử những nhạc sĩ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh?”.

Tôi không biết trả lời anh ra sao, vì chính tôi cũng rất thắc mắc về điều này, một “thắc mắc không biết hỏi ai”. Bạn tôi là một người say mê âm nhạc cách mạng (bây giờ ta hay gọi là “nhạc đỏ”), và anh đã chép tay rất nhiều ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Việt Nam, trong đó đặc biệt là những ca khúc của Phạm Tuyên mà anh rất yêu. Cũng có một chút duyên riêng: Hồi nhỏ, khi học ở Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc, người thầy dạy nhạc của bạn tôi chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhưng không phải vì “đạo thầy trò” mà trò ngưỡng mộ thầy, mà vì những ca khúc của Phạm Tuyên - hồi ấy là những ca khúc viết cho thiếu nhi - đã khiến đám học trò nhỏ chúng tôi say mê. Bởi nó trong trẻo và thấm đẫm tình yêu nước, yêu cuộc sống. Khi chúng tôi lớn lên, gia nhập quân đội và thành những người lính đi chiến trường, âm nhạc của Phạm Tuyên theo suốt chúng tôi trên những chặng đường hành quân, nhất là trên những nẻo rừng Trường Sơn. Bài hát Chiếc gậy Trường Sơn là bài hát được chúng tôi hát nhiều nhất khi đi bộ xuyên rừng, khi bị những cơn sốt rét hành hạ.

 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Vào chiến trường Nam Bộ, tôi nhớ, khoảng tháng 12 năm 1972 ở ven lộ Bốn Mỹ Tho, khi nghe đài báo tin B52 Mỹ ném bom Hà Nội, tôi đã bật khóc. Tôi khóc vì đã biết về sự tàn khốc của bom rải thảm từ B52, vì thương Hà Nội và cũng vì ở Hà Nội còn cha mẹ tôi, không biết có kịp sơ tán hay chưa. Sau giải phóng, tôi mới biết trong thời điểm ấy chính cha mẹ tôi cũng phải đội bom B52, giống như con mình phải đội bom B52 ở chiến trường Nam Bộ. Nhưng, điều gây xúc động lớn cho tôi còn hơn cả tin B52 ném bom Hà Nội lại chính là khi tôi được nghe, qua sóng của Đài phát thanh tiếng nói VN, bài hát của Phạm Tuyên “B52 tan xác rơi trên bầu trời/Hào khí Thăng Long sáng lên ngời ngời…”, do nghệ sĩ Trần Khánh và hợp ca của Đài tiếng nói VN thể hiện. Nỗi đau được nén lại đến tột cùng, và hùng khí của một dân tộc cũng được đẩy lên tới tột đỉnh. Những ai đã sống đúng thời điểm ấy mới cảm thấy hết được sức lay động của ca khúc mà Phạm Tuyên cho biết là ông đã sáng tác ngay tại căn hầm tránh bom của Đài tiếng nói VN, khi vừa viết xong đã được các ca sĩ của đài thực hiện ngay và đưa lên sóng phát thanh. Như một người lính, tôi mang ơn Phạm Tuyên vì ca khúc ấy của ông, nó đã khiến tôi yên lòng khi nghĩ về Hà Nội và những người thân yêu của mình đang dưới tầm bom hủy diệt. m nhạc không chỉ mang đến cảm xúc, mà còn giữ cho ta niềm tin và hy vọng.

Suốt cuộc đời sáng tác âm nhạc hơn 60 năm của mình, Phạm Tuyên đã thuộc hoàn toàn về Cách mạng, và âm nhạc của ông xứng đáng là “một tượng đài bằng âm thanh” của Cách mạng và cuộc chiến tranh vệ quốc. Có thể Phạm Tuyên còn viết nhiều ca khúc hay về tình yêu, về cuộc sống bình thường, nhưng tôi có cảm giác, phần chính yếu trong âm nhạc của ông là những bài hát về lòng yêu nước, về thân phận của một dân tộc muốn bảo vệ nền độc lập của mình thì phải chấp nhận nén chặt đau thương để sống còn. m hưởng của âm nhạc Phạm Tuyên là âm hưởng của “bi kịch lạc quan” theo nghĩa đẹp đẽ nhất của thuật ngữ đầy đối chọi này.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.