Rừng giao cho nhóm hộ bị tàn phá

22/08/2011 22:36 GMT+7

Nhiều diện tích rừng giao cho nhóm hộ ở Đắk Lắk đã bị tàn phá cho thấy hình thức quản lý rừng này còn nhiều bất cập.

Ông Huỳnh Tấn Hùng ở thôn 4, xã Ea Bung, H.Ea Súp (Đắk Lắk), dùng xe máy đưa chúng tôi vượt hơn 20 km từ trung tâm xã để đến các tiểu khu rừng được giao cho các nhóm hộ quản lý. Đến nơi mới thấy xót xa trước cảnh tượng từng vạt rừng rộng lớn bị san phẳng, nhiều khoảnh rừng vừa bị phá nham nhở, cây đổ ngổn ngang; có nơi đất rừng đã được gieo trỉa lúa, nơi thì phủ kín màu xanh của sắn...

 
Nhiều khoảnh rừng bị chặt hạ ngổn ngang - Ảnh: T.N.Q

Ông Hùng thở dài: “Toàn bộ 112 ha rừng của nhóm hộ chúng tôi đã bị nhiều cư dân ở các xã xung quanh phá sạch, biến thành nương rẫy. Đã vài lần bắt quả tang họ phá rừng nhưng mình cũng là dân nên không xử lý được”. Ông Hùng cho biết, nhóm của ông có 15 hộ, chia làm 3 tổ, mỗi tổ tuần tra trong một tuần luân phiên nhau; nhưng do rừng xa, không thể canh giữ liên tục, chỉ cần vài ngày chưa kịp tuần tra là mất đi dần vài héc-ta rừng. Cạnh khoảnh rừng của nhóm hộ ông Hùng là rừng của các nhóm hộ Phạm Văn Minh, Trương Công Vinh, Phạm Văn Lân… cũng bị phá gần hết. 

Chính sách bất cập?

Năm 2007, các tiểu khu 246, 252, 259 với tổng diện tích 1.735 ha, trong đó có 1.661 ha rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng nghèo) của Lâm trường Rừng Xanh được đưa về xã Ea Bung quản lý. Toàn bộ khu rừng này được UBND H.Ea Súp ra quyết định giao cho 13 nhóm với 193 hộ bảo vệ và hưởng lợi theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng đến cuối tháng 7.2011, qua kiểm tra của Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp, hầu hết rừng ở đây đều bị phá, tổng cộng có 1.200 ha bị mất (chiếm hơn 70%); riêng rừng nhóm hộ ông Hùng bị mất trắng.

Trong khi đó, ở một số địa bàn khác như H.Cư Mgar, tình trạng phá rừng giao nhóm hộ quản lý cũng trở thành điểm nóng, đặc biệt là xã Ea Mđróh. Trong số 692 ha rừng được giao cho 84 hộ dân ở xã này từ năm 2008 thì đến nay, các cơ quan chức năng đã xác định hơn 150 ha rừng bị biến thành nương rẫy. Nhiều hộ là chủ rừng đã thuê cả phương tiện cơ giới vào san ủi hàng chục héc-ta rừng...

Việc mất một diện tích lớn rừng đặt ra dấu hỏi về hiệu quả của hình thức giao rừng cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Theo nhận định của đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chủ trì, mất rừng ở H.Ea Súp còn do thiếu sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn quản lý, bảo vệ đối với chủ rừng; chưa xử lý kiên quyết các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đã giao...

Trong khi đó, một số chủ rừng thừa nhận việc chưa được hưởng lợi từ rừng đã khiến họ chưa thực sự gắn bó với rừng. Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung, cũng cho rằng các hộ nông dân không có điều kiện đầu tư để sinh lợi từ rừng, phải đợi hàng chục năm sau rừng giàu lên mới có thể khai thác theo hợp đồng giao nhận rừng. Đây chính là bất cập lớn về chính sách đối với người được giao rừng, khiến họ thiếu động lực giữ rừng trước nạn lấn chiếm, khai thác rừng trái phép diễn ra ồ ạt. Mặt khác, chính quyền cơ sở cũng thiếu lực lượng, cơ chế hỗ trợ người giữ rừng mỗi khi có xung đột với kẻ phá rừng.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.