>> Kỳ 1: Bức tranh của người họa sĩ "Tây học" đầu tiên
Nguyễn Phan Chánh không phải là họa sĩ vẽ tranh lụa đầu tiên ở VN. Bởi từ thời nhà Lê đã có hai bức tranh lụa cổ còn giữ cho tới bây giờ là bức chân dung Nguyễn Trãi và Phùng Khắc Khoan. Tuy nhiên, lối vẽ trong tranh chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách tranh lụa Trung Hoa. Chỉ đến thời Nguyễn Phan Chánh, “con đường” tranh lụa VN mới thực sự được khai mở.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một trong 6 sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng các họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Công Văn Trung và nhà điêu khắc Georges Khánh. Trường do Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn cùng sáng lập vào năm 1925, đào tạo tất cả các môn học về mỹ thuật: hội họa, điêu khắc, nghệ thuật trang trí và kiến trúc. Bắt đầu từ thời gian này, các nghệ sĩ tạo hình VN được tiếp cận với nhiều trường phái khác nhau mang âm hưởng “Tây họa”, đặc biệt là kỹ thuật vẽ chất liệu sơn dầu.
|
Thế nhưng, Nguyễn Phan Chánh lại không mấy hứng thú với những thứ mới mẻ ấy. Ông không thích dùng sơn dầu mà chỉ thích lấy bút lông vẽ. Cứ thế, ông trở thành người học trò học kém ở lớp. Người phát hiện ra tài năng của Nguyễn Phan Chánh là thầy Hiệu trưởng Victor Tardieu. Nếu không có con mắt tinh tường của một nhà giáo dục, một nghệ sĩ tâm huyết với nghề như Tardieu thì chúng ta và cả thế giới có thể đã bỏ qua một danh họa lớn.
Chơi ô ăn quan giờ ở đâu? Đức Minh là nhà sưu tầm nổi tiếng đất Hà thành. Ông bày tỏ ý định hiến tất cả các tác phẩm hội họa sưu tầm được cho Nhà nước với mong muốn được xây dựng bảo tàng mang tên Đức Minh. Đáng tiếc, mong muốn đó của ông không được chấp thuận. Sau này, khi ông Đức Minh và vợ qua đời, các con ông là những người tiếp quản các bức tranh. Vì nhiều lý do, có bức tranh được giữ lại, có bức phải bán đi. Bức tranh Chơi ô ăn quan được để lại cho một nhà sưu tầm tranh nước ngoài. Một lần nữa, Chơi ô ăn quan lại phiêu du, chẳng biết lúc nào sẽ quay trở lại nơi đã được người họa sĩ bậc thầy sinh ra đời... |
Đặc biệt là Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa với phong cách riêng, không lẫn với tranh lụa Trung Quốc hay Nhật Bản: Tranh ông thường vẽ kỹ tóc, tai, mắt, mũi. Song, hình họa lại mang tính ước lệ là những mảng lớn, không có lớp lang trước sau. Những bức tranh ông vẽ thường có gam màu đặc trưng của vùng quê VN như màu nâu, xám nhấn chút nền vàng đất nhẹ…
Khi Victor Tardieu mang bốn bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh sang Đấu xảo Paris vào năm 1931, giới mỹ thuật Pháp và thế giới náo động vì một phong cách mới lạ, chưa từng thấy, mang nét vẽ vừa của phương Đông vừa của phương Tây. Trong tờ tạp chí L’Illustration (số 4608 ra ngày 27.6.1931 tại Paris), Jean Gallotti đã ca ngợi Nguyễn Phan Chánh là bậc thầy: “...Sự hài hòa của bố cục, đôi khi cái duyên dáng của các khuôn mặt, và luôn luôn là cái thi vị thấm đậm của đời sống Viễn Đông, sự lan tỏa của một tâm hồn khác với tâm hồn chúng ta, mà chúng ta thấy rất gần gũi do một sự cảm thông trong tình yêu cái đẹp, chúng ta bị bao phủ bằng một sự huyền diệu...”.
Hội ngộ
Chơi ô ăn quan là tác phẩm tranh lụa đầu tay của người họa sĩ tài ba. Trong cuốn hồi ký của mình, ông đã kể lại chuyện cho ra đời tác phẩm này: “…Tôi tới làng Kim Liên, một làng về phía đông nam Hà Nội, cách Hà Nội chừng một cây số từ đường xe hỏa đi vào. Đường làng lát gạch đi thẳng vào chùa Kim Liên... Thường tôi lấy ký họa các chị em ngồi chơi hoặc các chị, các bà qua lại. Một lần, thấy các em ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi vào nhờ bà mẹ nói cô gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu...”. Vốn là người văn hay chữ tốt nên trên mỗi bức tranh lụa, Nguyễn Phan Chánh thường đề bài thơ chữ Hán, đánh dấu son và ký tên. Trong bức Chơi ô ăn quan, tác giả có viết bài thơ chữ Hán dịch như sau: “Đương ngây thơ chưa quen gì mùi son phấn/Chỉ biết đua nhau đuổi bướm tranh hoa/Nhưng lại choán được màu xuân hơn nơi lầu son gác tía/Mà không học thói làm mây làm mưa trên núi Dương Đài...”.
Trước năm 1954, trong một lần dạo qua các cửa hàng bán đồ cổ tại Paris, nhà sưu tập Đức Minh vô tình bắt gặp bức Chơi ô ăn quan. Không một chút chần chừ, ông mua lại ngay. Sau hơn hai chục năm, bức tranh đã quay trở về Hà Nội. Nghe tin, Nguyễn Phan Chánh vội vã tìm đến nhà ông Đức Minh. Hạnh phúc như vừa được gặp lại đứa con từ xa trở về, Nguyễn Phan Chánh ôm chầm lấy nhà sưu tập Đức Minh, rưng rưng cảm ơn ông.
Minh Ngọc
Bình luận (0)