“Cô gái tát CSGT” lý giải: Tưởng mẹ bị ăn hiếp

23/08/2011 13:21 GMT+7

(TNO) “Em sống trong gia đình thiếu bóng người cha. Nhiều lần em thấy ba đánh mẹ, mẹ khóc hoài. Mẹ lại mang trọng bệnh nên khi xảy ra sự việc, em tưởng mẹ bị ăn hiếp...”, cô gái tát cảnh sát giao thông (CSGT) nức nở.

Mẹ và con ngất xỉu

Sau khi Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Q.12 (TP.HCM) tuyên phạt Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi) 9 tháng tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ”, Linh đứng trân người trước vành móng ngựa.

Thẩm phán Trần Đức Nam, chủ tọa phiên tòa nhìn thấy, nhẹ nhàng nhắc nhở: “Phiên tòa kết thúc, bị cáo có thể ra về”.

Linh quay về phía mẹ và đám đông lao nhao phía sau lưng. Rồi Linh chợt hiểu mức án 9 tháng tù giam mà HĐXX vừa tuyên. Cô bật khóc nức nở, ngã nhào xuống đất. Bà Trương Thị Hạnh (37 tuổi, mẹ Linh), cũng ngất theo.

Theo nội dung cáo trạng mà đại diện Viện KSND Q.12 công bố tại tòa, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 2.7.2011, bà Hạnh chở ba (ngồi sau là Linh và em trai) nên ông Nguyễn Đức Ánh (thuộc Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an Q.12) ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu kiểm tra giấy tờ.


Phạm Thị Mỹ Linh bị TAND Q.12 tuyên phạt 9 tháng tù giam - Ảnh: Trần Duy

Bà Hạnh chấp hành nhưng chỉ xuất trình được giấy phép đăng ký xe, không trình ra được những giấy tờ cần thiết khác đối với người điều khiển phương tiện giao thông theo quy định pháp luật.

Ông Ánh tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính nhưng bà Hạnh giật phăng cuốn sổ ghi biên lai và giằng xe đẩy đi. Ông Ánh và đồng nghiệp là ông Vũ Quang Long (chiến sĩ thực tập) rút chìa khóa, kéo xe lại không cho bà Hạnh dắt đi.

Linh bất ngờ đẩy ông Ánh ra đường rồi quay lại phía mẹ, thấy ông Long đang giằng ba-ga xe, Linh tiến đến xô ông này và tát vào mặt viên CSGT bốn cái. Rồi Linh hét lớn và lăn ra đường ngất xỉu.

Bà Hạnh có ngăn Linh trước khi cô “học trò” này đẩy sự việc tiếp tục đi xa hơn. Đó cũng là hành vi được cơ quan điều tra xem xét không khởi tố bà Hạnh.

Trước tòa, giải thích về hành vi của mình, bà Hạnh nói do sợ bị CSGT giữ xe, không có phương tiện đưa đón con đi học nên đã hành động sai trái.

Bà xưng “con” với HĐXX mặc dù chủ tọa đã nhiều lần nhắc nhở. Bà nói: “Con không có học nhiều nên thấy CSGT thổi, con run quá! Từ khi sự vệc xảy ra, mẹ con con rất ăn năn và hối hận. Xin tòa đừng bỏ tù con con để cháu còn được tiếp tục học. Sau này, con hứa sẽ dạy dỗ cháu thành người có ích cho xã hội”. 

Hối hận

Đại diện Viện KSND Q.12 cho rằng, mức án cơ quan này đề nghị (6-9 tháng tù giam) là mức án “đầu khung”, trong đó đã cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Linh trong khi luật sư bào chữa cho bị cáo nói “bị cáo có đầy đủ các điều kiện để hưởng mức án nhẹ và nên được áp dụng hình thức cho hưởng án treo”.

Đại diện Viện KSND Q.12 nhận định nguyên nhân dẫn đến việc Linh phạm tội “chống người thi hành công vụ” là do Linh sống trong gia đình “thiếu số lượng người giáo dục, dạy dỗ” (ba mẹ của bị cáo đã ly hôn, bị cáo sống với mẹ và em trai - PV). 

“Trong thời gian qua, trên địa bàn Q.12 xảy ra nhiều vụ “chống người thi hành công vụ”. Hành vi của bị cáo Linh ảnh hưởng đến xã hội, tính mạng của người thi hành công vụ nhà nước nên cần tách Linh ra khỏi đời sống xã hội một thời gian”, đại diện Viện KSND Q.12 đề nghị.


Linh ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu - Ảnh: Trần Duy

HĐXX đồng tình với quan điểm luận tội của Viện KSND Q.12 và tuyên mức án cao nhất đối với mức án đề nghị: 9 tháng tù.

Trong giờ nghị án, trước khi HĐXX đưa ra mức phạt đối với bị cáo, PV Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Hạnh.

Bà cho biết, sau khi nghe được tin đoạn video clip quay cảnh Linh tát CSGT được tung lên mạng internet, hai mẹ con không tài nào ngủ được. Linh đã nói với bà: “Mẹ ơi, chết rồi! Con thấy sợ quá, con bị kích động, con không nhớ gì hết”.

Ít ngày sau khi xảy ra sự việc, bà Hạnh đã dắt Linh đến Đội CSGT Q.12 xin được gặp ông Ánh và ông Linh để nói lời xin lỗi nhưng không được gặp mặt. Linh để lại một “lá đơn kiểm điểm”.

Hỏi Linh rút ra bài học gì sau sự việc này, Linh nói: “Em muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ tham gia lưu thông trên đường nên chấp hành luật giao thông đừng có thái độ bộc phát như em”.

Lý giải về ý kiến của đại diện Viện KSND Q.12 cho rằng, nguyên nhân phạm tội của Linh “xuất phát từ việc Linh được mẹ nuông chiều, muốn gì được nấy”, Linh cho biết: “Em sống trong gia đình thiếu bóng người cha. Nhiều lần em thấy ba đánh mẹ, mẹ khóc hoài. Mẹ lại mang trọng bệnh nên khi xảy ra sự việc, em tưởng mẹ bị ăn hiếp nên mới xử xự như thế”. Linh bật khóc nức nở. 

Cho rằng bị cáo có đầy đủ điều kiện để được giảm nhẹ hình phạt (phạm tội mang tính chất bộc phát, thiếu sự giáo dục của gia đình, trong độ tuổi thành niên, vi phạm lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự...), luật sư Huỳnh Khắc Thuận (luật sư được tòa chỉ định, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý - Sở Tư pháp TP.HCM) đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt tù (cho hưởng án treo) đối với bị cáo Linh.

Luật sư Thuận cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hành động bộc phát của Linh xuất phát từ việc ông Long (CSGT) đã dùng chân chặn xe, rút chìa khóa xe của bà Hạnh trước khi lập biên bản.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND Q.12 bảo lưu quan điểm cho rằng, việc lập biên bản đối với bà Hạnh chỉ được thực hiện sau khi đưa bà này về trụ sở Công an P.Thới An, Q.12. Hơn nữa, nếu CSGT có rút chìa khóa xe của bà Hạnh cũng nhằm đảm bảo tạm giữ phương tiện làm căn cứ xử phạt hành vi phạm luật giao thông của bà Hạnh.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.