Tù túng thân phận sống nhờ, xé lẻ
Ngay trong lòng thủ đô, thực trạng trường lớp chật chội, xé lẻ... đã tồn tại mấy chục năm nay và không biết còn kéo dài đến bao giờ.
Học ở điểm này, ăn cơm ở điểm khác
Trường Tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), đơn vị được phong danh hiệu anh hùng từ năm 1985, là một ngôi trường có tiếng nhưng điều kiện dạy và học của cô trò ở đây còn rất khó khăn. Hằng ngày, hơn 1.000 học sinh (HS) phải chia ra học tại 4 địa điểm: 20 Ngõ Trạm, 220 Hàng Bông, 23 Nguyễn Quang Bích, 36 Lý Thái Tổ (Cung Thiếu nhi Hà Nội). Cứ đến bữa trưa, 2 lớp ở Cung Thiếu nhi đi xe buýt và hơn 100 HS ở Nguyễn Quang Bích đi bộ đổ về trường chính ở 20 Ngõ Trạm để ăn cơm.
|
Q.Hai Bà Trưng là một trong 4 quận trung tâm ở Hà Nội vẫn còn tình trạng học chung, học ghép; có nơi, 2 phường nhưng chỉ có một trường tiểu học hoặc THCS. Trường Tiểu học Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm) có địa điểm chính ở 31 Tô Hiến Thành, khu vực trung tâm có nhiều phương tiện qua lại. Đó là một ngôi biệt thự 3 tầng kiểu Pháp khá nhỏ và tối, hoàn toàn không có khoảng sân nào cho HS. Phần tiền sảnh của trường chỉ khoảng 10m2. Vì thế tất cả các hoạt động chào cờ, sinh hoạt lễ tết đều được thực hiện... dưới lòng đường. Do không đủ lớp học nên trường bố trí thêm 2 điểm lẻ ở 37 Tô Hiến Thành và 173 Bà Triệu. Điểm 37 Tô Hiến Thành thực chất là nhà dân làm thành phòng học. Điểm trường này là nơi một số HS lớp 4, lớp 5 từ điểm trường chính sang ăn trưa và học tiếp buổi chiều.
Khu đô thị mới “trắng” trường học Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, ở 25 khu đô thị (KĐT), khu nhà ở, khu tái định cư mới của TP còn thiếu gần 60 trường công lập từ cấp mầm non đến THCS. Nếu tính cả các trường tư thục, vẫn đang có tới 13 KĐT, khu tái định cư không có trường mầm non, 11 KĐT không có trường tiểu học và 10 KĐT không có trường THCS. Có đến 8 KĐT mới hiện đã có dân đến ở nhưng vẫn “trắng” trường cả 3 bậc mầm non, tiểu học, THCS, như các KĐT Văn Phú, Phú La, Thạch Bàn, Văn Khê, Sài Đồng, Việt Hưng, Mỹ Đình - Mễ Trì... Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT đầu năm 2010, có tới 5.761 lớp mầm non học nhờ nhà dân và đình chùa... Có 40 tỉnh, thành, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia dưới 10%. |
Diện tích nhỏ, phòng học ít, nhưng vẫn phải đảm bảo công tác dạy 2 buổi/ngày nên đã có không ít trường phải tổ chức bán trú cho HS ở bên ngoài. Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (Q.Đống Đa), Lê Ngọc Hân... phải tổ chức bán trú tại nhà dân theo hình thức nhóm trẻ gia đình...
Trường học nhờ đình chùa
Hà Nội cũng có không ít trường đang phải học nhờ đình chùa. Q.Tây Hồ hiện có 3 phường là Nhật Tân, Tứ Liên và Yên Phụ có trường học ngoài đê. P.Tứ Liên là điểm nóng nhất của quận khi HS cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) học ngoài đê. Trong đó, trường THCS Tứ Liên có 4 phòng học cấp 4 phải nương nhờ cửa đình Tứ Liên.
Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Q.Ba Đình) ngay từ khi khai sinh (khoảng những năm 1960) đến nay, vẫn đang “ở nhờ” tại đình làng Kim Mã Thượng. Đình làng và trường cùng chung khuôn viên gần 1.000m2, chỉ cách nhau bằng hàng rào gỗ mỏng và thấp. Với 800m2 diện tích, trường chỉ có 10 phòng học, trong đó có tới 4 phòng lợp mái tôn. Năm học trước do quá nóng, trường phải xin kinh phí của quận làm giàn phun mưa chống nóng cho học trò. Các phòng học cấp 4 của trường có muốn sửa chữa, cải tạo cũng không được xây cao hơn mái đình vì tôn trọng tín ngưỡng. Trường đang thuộc diện “3 không”: không phòng chức năng, không thư viện, không tin học; một số phòng như y tế và hành chính phải ghép chung vào một chỗ. Khi đình có lễ hội chính, trường phải cho HS nghỉ học. Còn với những ngày lễ nhỏ, các cụ phải tiến hành cúng bái ngoài giờ để các cháu có điều kiện tập trung học.
Cơ sở II trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Hoàn Kiếm) cũng phải mượn khuôn viên chùa Hàm Long. Vào ngày rằm, mùng 1, HS nghe tiếng gõ mõ, tụng kinh, nhìn người ra vào lễ chùa, thắp hương... Mỗi khi chào cờ, HS và giáo viên cũng phải ra tận đường Bà Triệu...
Không nhà vệ sinh
Không chỉ ở quận nội thành đất chật người đông, ở ngoại thành việc học nhờ ở đình chùa cũng không hiếm. HS trường Mầm non xã Hữu Bằng (H.Thạch Thất) học tại 2 điểm. Điểm chính của trường gồm 14 phòng, ở nhờ trên đất của khu di tích đình chùa. Những phòng học này là những dãy nhà cấp 4, vốn là một hợp tác xã dệt thủ công được cải tạo lại. Trường không có nhà vệ sinh theo đúng nghĩa cho cả HS và giáo viên, chỉ có một diện tích rất nhỏ dành cho các cháu đi tiểu. Điểm lẻ ở thôn Bò Miễu còn tệ hơn. Điểm này gồm 4 lớp nhưng học ở hai nơi, trong đó có 3 lớp là phòng của khu nuôi lợn ngày trước cải tạo lại.
Lãnh đạo UBND xã Hữu Bằng lý giải: “Việc xây dựng nhà vệ sinh cho cô trò không phải là điều gì đó quá sức đối với địa phương. Tuy nhiên cơ sở ở khu vực xóm Chùa lại nằm trong quần thể khu di tích đình chùa Vân Chì đã được xếp hạng, vì thế không thể can thiệp cải tạo quá mức và càng không thể xây dựng nhà vệ sinh kiên cố được”!
Trần dột, đường ngập, sĩ số quá tải Tại TP.HCM, ngày 15.8, khi đưa con em mình đến trường, một số phụ huynh trường Tiểu học Phước Bình (Q.9) mới biết HS phải học nhờ tại nhà văn hóa phường. HS của hai trường mầm non Thỏ Ngọc (P.7) và Bông Sao (P.16) của Q.8 phải học trong tình trạng mái ngói phòng học dột khắp nơi, thường xuyên ngập nước do trường thấp hơn mặt đường. Trường Tiểu học Vạn Nguyên (Q.8) chỉ cần một cơn mưa nhỏ hay triều cường là HS phải lội bì bõm vào lớp, nhiều phòng học ẩm thấp không đáp ứng được nhu cầu học tập hằng ngày. Ở P.Hiệp Thành (Q.12), hơn 74.000 hộ dân sinh sống nhưng chỉ có duy nhất trường Tiểu học Nguyễn Trãi với vài phòng học nên trường Tiểu học Lê Văn Thọ thuộc P.Tân Thới Hiệp có nghĩa vụ san sẻ gánh nặng sĩ số. Từ đó dẫn đến việc trường Tiểu học Lê Văn Thọ ngày càng quá tải với khoảng 4.000 HS cho 83 lớp. Thế nên nhà trường phải tận dụng hết nhà ăn, bỏ hết phòng chức năng sao cho có chỗ kê bàn ghế với sĩ số bình quân 48 HS/lớp. Cũng tại quận này, trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ xuống cấp trầm trọng, HS phải học trong phòng học tối om, đến mùa mưa phải tìm chỗ tránh dột. Tại Đà Nẵng, không năm học nào trường Tiểu học Phù Đổng (Q.Hải Châu) không rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Theo số liệu điều tra phổ cập đầu cấp trên địa bàn tuyển sinh của trường, số HS lớp 1 năm học này đúng tuyến là 218 nhưng khi trường bắt đầu tổ chức thu nhận hồ sơ đã lên đến 600. Tương tự, trường Tiểu học Phan Thanh cũng "đội" sĩ số, khi chỉ tiêu tuyển sinh là 105 nhưng thực tuyển lên đến 240 HS, tăng 3 lớp so với chỉ tiêu ban đầu. Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ có 97 chỉ tiêu nhưng thực tuyển 200 HS. B.Thanh - D.Hiền |
Tuệ Nguyễn - La Giang
Bình luận (0)