Cũng theo Tổng cục Thống kê, sau 8 tháng (tháng 8.2011 so với tháng 12.2010), CPI đã tăng 15,68%; sau 1 năm (tháng 8.2011 so với tháng 8.2010), CPI đã tăng 23,02%, cao nhất so với các con số tương ứng từ đầu năm đến nay (vượt đỉnh điểm 22,16% của tháng 7). Tính bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, CPI đã tăng 17,64 %, cao hơn mức tương ứng của 7 tháng (16,89%).
Trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, nhóm thực phẩm vốn tăng cao trong các tháng trước trong tháng này đã tăng chậm lại; giá lương thực và một số hàng hóa, dịch vụ có tính thời vụ như xi măng, học phí… đều tăng.
Mặc dù CPI tháng 8 tăng chậm lại, nhưng chưa thể chủ quan với lạm phát của cả năm 2011.
Để kềm giữ CPI cả năm tăng 17% như chỉ tiêu điều chỉnh của Chính phủ, trong 4 tháng còn lại chỉ còn được tăng 1,14%. Trong khi đó bình quân tỷ lệ tăng CPI trong 4 tháng cuối năm tính từ năm 1992 trở lại đây là 2,02%. Nếu 4 tháng cuối năm nay tăng bằng với mức bình quân này thì cả năm 2011 CPI có thể tăng 18%.
Những yếu tố tác động đến CPI trong 4 tháng cuối năm nay thì có nhiều. Trước hết là giá vàng tăng quá cao như Thanh Niên đã liên tục thông tin trong các số báo vừa qua. Diễn biến bất lợi là giá vàng trong nước thời gian qua cao hơn giá vàng thế giới cho thấy yếu tố tâm lý lo ngại lạm phát trong người dân vẫn rất nặng. Đây là một trong những yếu tố gây áp lực đối với lạm phát, kể cả khi tiền bị hút vào vàng lẫn lúc vàng xuống giá, người dân bán vàng ra và đưa một lượng lớn tiền quay lại thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Một yếu tố khác là tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán những tháng cuối năm theo khung khống chế của cả năm (tương ứng là 20% và 15- 16%) sẽ cao hơn nhiều so với những tháng đầu năm.
Ngoài ra, cần chú ý Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn, mà nhu cầu tiêu dùng vào 2 Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán thường cao hơn các thời gian khác trong năm.
Ngọc Minh
Bình luận (0)