Nguy cơ vỡ nợ dự án cầu Phú Mỹ

25/08/2011 01:43 GMT+7

Liên tục vài tháng qua, Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) có nhiều văn bản kêu cứu, đề nghị ưu đãi đối với dự án cầu Phú Mỹ và các công trình kết nối. Theo PMC, dự án đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và bản thân nhà đầu tư này có thể bị phá sản.

PMC được giao làm chủ đầu tư dự án cầu Phú Mỹ theo hình thức BOT và các dự án kết nối cầu Phú Mỹ theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thì cả 2 dự án đều phát sinh trục trặc.

Mới đây nhất, PMC có văn bản xin được UBND TP hỗ trợ dự án BT các đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ (gồm 3 tiểu dự án: nút giao thông khu A Nam Sài Gòn, đường trên cao nối từ nút giao đến cầu Phú Mỹ, đường vành đai phía đông nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc).

 

Đường dẫn vào cầu Phú Mỹ hư hỏng, xuống cấp nặng nề do chủ đầu tư không có tiền sửa chữa - Ảnh: D.Đ.M

Trả cầu cho... thành phố

Ông Nguyễn Thành Thái -Tổng giám đốc PMC - cho rằng, nút giao khu A và một phần đường vành đai đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến liên tỉnh lộ 25 đã hoàn thành và được Sở GTVT chấp thuận đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay. Do đó, kiến nghị TP cho công ty bàn giao ngay và được thanh toán giá trị khối lượng đoạn tuyến đã hoàn thành, cộng với lãi vay trong thời gian xây dựng và chi phí thực tế mà công ty đã bỏ ra cho việc chiếu sáng công cộng trên tuyến đường này hơn 1 năm nay. Trong lúc chờ nghiệm thu và thanh toán khối lượng đã hoàn thành (khoảng trên 400 tỉ đồng), PMC đề nghị UBND TP gấp rút cho công ty tạm ứng 250 tỉ đồng để thanh toán lãi và vốn vay ngân hàng (khoảng 150 tỉ đồng), còn lại 100 tỉ đồng để thi công khối lượng còn dang dở của dự án BT. Theo ông Thái, việc chậm thanh toán khoản vay cho ngân hàng đã đẩy PMC lâm vào tình trạng nợ xấu, công ty không còn khả năng huy động vốn để thực hiện các dự án khác và dẫn đến phá sản.

Trước đó, với lý do tiền thu phí giao thông qua cầu Phú Mỹ trong 5 năm đầu (2010 - 2015) không đủ trả lãi và nợ vay ngân hàng, PMC kiến nghị UBND TP được giãn trả nợ vay cho Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) trong 15 - 20 năm, thay vì 10 năm như hiện nay. Bên cạnh đó, PMC cũng xin không trả nợ trong 5 năm, hoặc hỗ trợ vay ưu đãi 1.000 tỉ đồng của Quỹ đầu tư hạ tầng TP.HCM hoặc Ngân hàng Phát triển VN để có vốn trang trải nợ nần trong 5 năm đầu. Thậm chí, PMC đòi trả cầu Phú Mỹ cho UBND TP nếu không được đáp ứng các yêu cầu này.

BOT không phải chỉ là “trái ngọt”

Theo TS Hiển, khó khăn của dự án cầu Phú Mỹ đã đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm đối với mô hình BOT trong đầu tư giao thông. Thực tế, đây không phải là “trái ngọt” mà có tỷ lệ rủi ro khá cao. Do đó, trong quá trình chuẩn bị dự án, cần hết sức cân nhắc đến năng lực tài chính của nhà đầu tư cũng như thẩm định kỹ lưỡng mức vốn, phương án tài chính và điều kiện hợp đồng, tránh tình trạng khi triển khai dự án, có lợi thì nhà đầu tư hưởng, còn gặp rủi ro lại đùn đẩy cho nhà nước.

Thiếu sót từ đầu

TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho rằng, bản chất của hình thức BOT là nhà nước không có tiền nên thu hút tư nhân bỏ vốn đầu tư và thu hồi dần cả vốn lẫn lãi trong thời gian dài. Điều này đòi hỏi chủ đầu tư BOT phải thực sự có năng lực về tài chính, đủ sức “chạy đường dài”, chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn vay ngân hàng và nguồn thu duy nhất từ công trình BOT. Ngay từ đầu, dự án cầu Phú Mỹ đã xác định chủ đầu tư phải có cơ cấu vốn chủ sở hữu chiếm 30% tổng vốn đầu tư, nhưng sau đó lại điều chỉnh xuống chỉ còn 20%, 80% còn lại phải đi vay khiến rủi ro sử dụng nợ vay càng lớn. Đáng lẽ, PMC phải có phương án huy động những nguồn vốn khác để trả nợ vay trong thời gian đầu khi thu chưa đủ bù chi.

Thực tế, khó khăn của PMC không phải là cá biệt trong bối cảnh khó khăn chung, mà hầu hết doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BOT nói riêng đều gặp những khó khăn tương tự. Do đó, việc PMC đòi hỏi những ưu đãi riêng, trong đó có việc đề nghị trả lại công trình là không hợp lý.

Ngoài nguyên nhân tỷ giá ngoại tệ và lãi suất vay vốn tăng cao so với thời điểm mới xây cầu, một lý do quan trọng khác đặt dự án cầu Phú Mỹ trước nguy cơ “vỡ nợ” là tổng mức đầu tư tăng chóng mặt, từ 1.806 tỉ đồng vọt lên 3.402 tỉ đồng (theo thẩm định mới đây của Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng). Tương tự, PMC cũng vừa kiến nghị tăng vốn đầu tư cho dự án BT các đường kết nối từ 1.300 tỉ đồng lên 2.300 tỉ đồng. Điều này kéo theo số vốn vay và lãi vay thực tế phải trả hằng năm cũng tăng lên nhiều so với phương án tài chính ban đầu.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên, mà từ năm 2006, UBND TP đã phải chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư cầu Phú Mỹ từ 1.806 tỉ đồng lên 2.077 tỉ đồng và nay tiếp tục tăng. Nếu dự án chậm trễ tiến độ thì việc đội giá là dễ hiểu, còn cầu Phú Mỹ hoàn thành vượt kế hoạch đến 4 tháng mà lại tăng vốn gần gấp đôi cho thấy, ngay từ đầu, tổng vốn đầu tư của dự án đã không được thẩm định kỹ lưỡng.

Là dự án tư nhân đầu tiên được Chính phủ bảo lãnh vốn vay ngân hàng trong và ngoài nước, nếu dự án gặp rủi ro thì ngân sách phải gánh. Do đó, dự án đáng lẽ phải được thẩm định thật kỹ lưỡng. 

Trả lại cầu là tạo thêm áp lực

Thạc sĩ Phạm Sanh - Đại học GTVT TP.HCM - nhận xét, kiến nghị của PMC tạo áp lực cho TP bởi trả lại cầu Phú Mỹ, TP sẽ phải gánh các khoản nợ vay đầu tư dự án và phải thanh toán ngay cho PMC phần vốn chủ sở hữu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc bằng ngân sách kết hợp với một phần quỹ đất (tức chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang BT). Chưa kể, đây là dự án do Chính phủ bảo lãnh vốn vay nước ngoài (Pháp) với tổng số tiền lên đến 93 triệu USD, nên về thực chất, nếu PMC không trả được nợ thì ngân sách phải gánh. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư dự án không phải do PMC vay mà thông qua HFIC. Nếu TP chấp nhận cho PMC giãn nợ 15 - 20 năm, thì ngân sách sẽ phải gánh chi phí giãn nợ này vì trên thực tế HFIC vẫn phải trả nợ vay cho các ngân hàng Pháp trong vòng 10 năm như đã ký kết...

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.