Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), Bộ Quốc phòng nước này ngày 26.8 lên tiếng phản đối báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ vừa được công bố. Trong báo cáo, Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại về tốc độ và phạm vi phát triển quân sự của Trung Quốc với đầu tư lên tới 160 tỉ USD trong năm 2010. Trong cuộc họp báo ngày 24.8, Michael Schiffer, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, nhận xét trong cuộc họp báo rằng những động thái quân sự của Bắc Kinh “có khả năng gây mất ổn định trong khu vực, gây căng thẳng và lo lắng”.
CRI dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố nước này “luôn đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên định chính sách quốc phòng chỉ mang tính phòng thủ”. Việc tăng cường xây dựng quốc phòng và quân đội chỉ nhằm “duy trì chủ quyền quốc gia và hoàn chỉnh lãnh thổ, bảo đảm tiến hành thuận lợi việc phát triển kinh tế xã hội, không hề đối chọi với nước nào”. Ông này cũng cho rằng cùng với việc phát triển khoa học kỹ thuật thì sự phát triển quân đội nước này cùng một số trang bị vũ khí mới là “điều tất yếu”. Cuối cùng, Dương Vũ Quân kết luận báo cáo của Mỹ là “hoàn toàn sai sự thật, vô căn cứ” và đòi Mỹ phải công bằng và khách quan khi nhìn nhận sự phát triển của quân đội Trung Quốc.
|
Mâu thuẫn
Tuy tuyên bố như vậy nhưng trong thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng tiến hành các cuộc tập trận liên tục suốt ngày đêm ở nhiều địa điểm như Vân Nam, Quảng Châu, Nam Kinh, Thành Đô, Hắc Long Giang, sát biển Đông... với sự tham gia của nhiều quân khu.
Bắc Kinh cũng đang nỗ lực phát triển tên lửa chống hạm có thể tấn công tàu sân bay, máy bay tàng hình, nâng cấp hệ thống radar tầm xa, tăng cường lực lượng tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân... Chưa kể quân đội nước này được trang bị thêm rất nhiều vũ khí mới và trang thiết bị tối tân như: xe thiết giáp lội nước, trực thăng cho tàu sân bay, máy bay do thám không người lái loại nhỏ, khí cầu không người lái để tuần tra, thiết bị nhìn xuyên màn đêm..., theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 26.8.
Về tranh chấp trên biển, báo cáo của Lầu Năm Góc nhận định: “Sự phát triển của lợi ích kinh tế và địa chiến lược về cơ bản đã thay đổi quan điểm của Bắc Kinh đối với quyền lực biển”. Trước kia, Trung Quốc chỉ cần hải quân cho nguy cơ xung đột tiềm tàng với Đài Loan, nhưng nay họ muốn có sự đảm bảo cho chiến lược hàng hải và những khu vực giàu khoáng sản trên biển. Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã có nhiều động thái gây căng thẳng trên các vùng biển tồn tại tranh chấp như biển Đông và biển Hoa Đông. Giữa lúc đang có nhiều quan ngại, Bắc Kinh lại tung ra tàu sân bay đầu tiên của nước này và theo một số nguồn tin, thêm một tàu sân bay khác đang được đóng tại Thượng Hải.
Dư luận Ấn Độ lo ngại tên lửa Trung Quốc Báo chí Ấn Độ đã thể hiện sự lo ngại trước thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa dọc biên giới hai nước. Ngày 25.8, tờ The Economic Times và The Indian Express trích dẫn báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân sự Trung Quốc cho hay nước này sẽ thay thế các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân sử dụng nhiên liệu lỏng là CSS-2 IRBMs ở biên giới Ấn-Trung bằng loại CSS-5 MRBM sử dụng nhiên liệu rắn với tầm bắn xa hơn. Tờ The Economic Times nhận định báo cáo trên đã “vẽ nên một viễn cảnh đáng sợ”. Ngoài ra, tờ này trích báo cáo cho biết, Trung Quốc đủ sức huy động thêm 30 sư đoàn lên khu vực sát biên giới Ấn Độ. Cả Bắc Kinh lẫn New Delhi chưa có phản ứng chính thức với những thông tin này. Hoàng Đình |
Ngọc Bi
Bình luận (0)