Ngành sư phạm: Lo khủng hoảng đầu vào

27/08/2011 19:21 GMT+7

(TNO) Nhiều ý kiến của đại diện các trường sư phạm trên cả nước lo lắng về nguồn tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm trong những năm gần đây đang giảm sút.

Hôm nay 27.8, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ GD-ĐT đã có buổi Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các trường sư phạm.


Nộp hồ sơ NV2 vào ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi

Ngay trong thời điểm tuyển sinh ĐH-CĐ, nhiều ý kiến tại hội nghị lo lắng hiện nay ngành sư phạm đang khó khăn trong nguồn tuyển sinh đầu vào. “Chưa có khi nào ĐH Sư phạm Huế tuyển sinh NV2 đến 8 ngành", Tiến sĩ Tôn Thất Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH Sư phạm Huế cho biết.

Còn theo đại diện ĐH Vinh: Chất lượng đầu vào của ngành sư phạm những năm gần đây đang giảm. Hầu như những học sinh giỏi không thi vào sư phạm. Để lấy đủ chỉ tiêu, nhiều trường sư phạm phải lấy điểm chuẩn sát điểm sàn.

Trong khi đó, năm nay, ĐH Sư phạm TP.HCM phải tuyển sinh NV2 đến 1.000 chỉ tiêu (trong tổng số 3.500 chỉ tiêu của trường).

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2010-2011, tổng số giảng viên của các trường ĐH sư phạm trong cả nước là gần 4.400 người; các trường CĐ là 4.462 người.

Mục tiêu, đến năm 2015, 100% giảng viên trường ĐH sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% đạt trình độ tiến sĩ; 50% giảng viên trường CĐ sư phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ. Đủ cơ cấu giảng viên tại các trường sư phạm với tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường ĐH, CĐ sư phạm không quá 20/1 vào năm 2020.

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Văn Cẩn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Vấn đề ở đây (về việc thí sinh không mặn mòi thi vào ngành sư phạm) là sự đãi ngộ giáo viên. Sinh viên sư phạm ra trường làm giáo viên có mức thu nhập thấp và áp lực công việc, xã hội cao.

“Mặc dù gặp khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào nhưng trường chủ trương vẫn giữ nghiêm tuyển sinh, có thể thiếu chỉ tiêu nhưng không giảm chất lượng", ông Cẩn khẳng định.

Đại diện nhiều trường sư phạm kiến nghị Nhà nước và Bộ GD-ĐT cần có biện pháp để khuyến khích học sinh giỏi thi vào sư phạm để ngành có chất lượng đầu vào tốt. 

Một khó khăn nữa của các trường sư phạm là không có thống kê nào dự báo hay quy hoạch nhu cầu nhân lực trong vòng 5 năm tới cần số lượng giáo viên là bao nhiêu. Vì vậy, các trường không thể xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu xã hội.

 
Thí sinh thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT dựa trên Quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, cùng với nhu cầu địa phương mà có quy hoạch phát triển nhân lực cho ngành sư phạm, làm cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu cần hình thành các trường phổ thông là vệ tinh của các trường sư phạm để các trường đào tạo sư phạm có sự liên kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục phổ thông.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.