Mới nhìn thoáng qua, cao lầu trông giống như mì Quảng, nhưng khi thưởng thức mới ngộ ra không phải là mì lại càng không giống phở. Thật ra nguyên liệu chính làm nên sợi cao lầu là từ gạo, được chế biến công phu. Gạo ngâm với tro lấy từ củi tràm ở đảo Cù Lao Chàm. Nước hòa cùng với tro phải lấy từ nước giếng cổ Bá Lễ, thứ nước vừa ngọt lành lại trong vắt. Chính vì ngâm với nước tro nên gạo sẽ có màu vàng nhạt như pha nghệ. Gạo được xay thành bột, để ráo nước, nhồi cho mịn. Cao lầu không tráng như mì, người ta cán bột thành miếng dày 3-4 mm rồi đem hấp cách thủy, tiếp theo cắt bột thành sợi to bằng sợi mì.
|
Cao lầu ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nước nhưn. Các bà nội trợ thường chọn thịt heo đùi vừa mỏng da vừa nhiều thịt, để nguyên khổ ướp nước mắm, ngũ vị hương, gia vị cho thật thấm thía. Sau đó xíu thịt với lửa đỏ vừa phải. Khi thịt chuyển sang màu vàng ươm, bốc mùi thơm ngây ngất, vớt thịt ra chỉ để nước xíu lại. Cuối cùng khử cà chua, hành tây đã xay nhỏ với dầu, đổ hỗn hợp này cùng nước thịt xíu để làm nước xốt nhưn.
Còn gì thú vị bằng khi được thưởng thức món cao lầu ngay trên đất Hội An. Những sợi cao lầu đã chần qua nước sôi được cho vào chiếc tô nhỏ, thêm một ít giá trụng vừa chín tới và không thể thiếu rau sống thơm ngon của làng Trà Quế. Đặt những lát thịt xíu thái mỏng vào giữa, rưới nước xốt lên, điểm thêm một ít cao lầu khô hình vuông đã chiên, vài cọng rau thơm, quả ớt xanh, lát chanh mỏng... để tăng thêm phần hấp dẫn. Ai cần đậm đà thì thêm nước mắm hoặc nước tương.
Từ nhiều nơi, lữ khách về Hội An để tận mắt ngắm phố rêu phong ẩn mình trong ánh đèn lồng lung linh, đợi trăng lên nhìn những con thuyền lững lờ cập bến trên dòng sông Hoài. Hay giản đơn chỉ để được nhâm nhi chiếc bánh đập, chén xí mà, ly chè bắp... là những thứ quà vặt dân dã. Nhưng ai chưa một lần thưởng thức tô cao lầu phố Hội chắc chắn sẽ chưa cảm nhận hết sự tinh túy của vùng đất nơi đây.
Phan Thị Thanh Ly
Bình luận (0)