Lao động nước ngoài không phép: Xem thường pháp luật Việt Nam!

30/08/2011 00:16 GMT+7

Lực lượng lao động nước ngoài không phép đang ngày càng gia tăng ở nhiều nơi đã làm chính quyền địa phương đối mặt với nhiều khó khăn trong quản lý.

Thợ hồ, thợ mộc đều là lao động TQ, trong khi theo quy định, lao động nước ngoài làm việc tại VN phải là những chuyên gia, lao động có tay nghề cao (ảnh chụp tại thủy điện La Hiêng 2) - Ảnh: Đức Huy

Ngày 25.8, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình tiếp tục gửi văn bản yêu cầu 4 đơn vị làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho số người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn.

Đối tác VN không kiểm soát được

Vụ lao động Trung Quốc không phép tại Cà Mau: Nhà thầu tiếp tục thất hứa

Liên quan đến việc các lao động TQ không phép tại công trường Nhà máy đạm (NMĐ) Cà Mau (KCN khí-điện-đạm Cà Mau, xã Khánh An, huyện U Minh), UBND tỉnh đã yêu cầu trong 2 ngày 26-27.8 nhà thầu TQ phải có giấy bảo lãnh về lý lịch tư pháp của các lao động chưa được cấp phép (600 lao động). Đến cuối giờ chiều ngày 29.8, bà Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh cho biết: “Sở chỉ mới nhận được 556 giấy bảo lãnh (gửi vào chiều 27.8), số còn lại nhà thầu hứa sẽ gửi vào hôm nay (29.8) nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được”.

Cũng theo quy định của UBND tỉnh, trong 2 ngày 29-30.8, các nhà thầu sẽ lần lượt đưa 600 công nhân này đến

Bệnh viện đa khoa Cà Mau khám sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ xin cấp phép. Nhưng theo ghi nhận của PV, trong ngày 29.8, không có lao động TQ nào đến khám sức khỏe. Như vậy, chỉ còn một ngày, việc khám sức khỏe cùng lúc cho 600 người khó có thể hoàn thành.

Theo nguyên tắc, những thủ tục này trước khi vào Việt Nam lao động TQ phải hoàn thành, chứ không phải bây giờ mới bổ sung.

Gia Bách

Theo báo cáo mới nhất về kết quả kiểm tra công tác tuyển dụng, quản lý lao động người nước ngoài của Sở LĐ-TB-XH gửi Bộ LĐ-TB-XH và UBND tỉnh Quảng Bình, đến đầu tháng 6.2011, trên địa bàn có 369 lao động đang làm việc tại 21 đơn vị, công trường; trong đó có 345 lao động làm việc trên 3 tháng. Số lao động nước ngoài này hầu hết là người Trung Quốc (TQ) với 359 người; tập trung chủ yếu ở Nhà máy xi măng Văn Hóa (H.Tuyên Hóa), Nhà máy xi măng Trường Sơn (H.Quảng Ninh), Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình. Đáng chú ý, chỉ có 39 lao động được cấp phép, còn lại là không phép và rất ít người có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật, làm công tác quản lý.

Công trình Nhà máy xi măng Văn Hóa có 3 nhà thầu Trung Quốc, trong đó có Công ty luyện kim 17, Công trình Nhà máy xi măng Trường Sơn có 3 nhà thầu khác cũng của Trung Quốc.

Để giải quyết tình trạng này, đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy phép lao động trong tháng 7. Tuy nhiên, đến nay các công ty vẫn chưa thực hiện. Vì vậy Sở tiếp tục gửi văn bản cho 4 đơn vị: chi nhánh Công ty CP đầu tư thương mại và du lịch Quảng-Thái-Hà, Nhà máy xi măng Trường Sơn (thuộc Công ty cơ khí đúc Thắng Lợi), Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình, Nhà máy xi măng Văn Hóa và ra hạn chậm nhất đến cuối tháng 9 nếu không thực hiện sẽ xử lý theo pháp luật. Sở LĐ-TB-XH cũng đề nghị công an tỉnh xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm (nếu có) hoặc kịp thời đề nghị  trục xuất đối với những lao động làm việc tại VN trên 6 tháng mà không có giấy phép theo quy định.

Trong số các đơn vị trên, thì tại công trường xây dựng Nhà máy xi măng Văn Hóa - do Công ty TNHH vật liệu xây dựng VN (VCM) làm chủ đầu tư - là đơn vị sử dụng nhiều lao động TQ nhất. Hiện công trình đang ở giai đoạn san ủi mặt bằng, ghép giàn giáo, đúc trụ sắt. Công nhân, chuyên gia, quản lý TQ ở ngay trong công trường; họ tập trung thành một khu dưới chân núi. Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng phòng nhân sự tại văn phòng đại diện của công ty đóng ở thị trấn Ba Đồn (H.Quảng Trạch) - cho biết: “Chỉ nắm nhân sự chung của công ty chứ nhân công lao động tại công trường thì không nắm được, cái đó do Ban quản lý dự án nhà máy phụ trách”.

Hồ sơ lưu của Công an xã Văn Hóa cho thấy hầu hết số lao động TQ tại nhà máy này là công nhân. Khi đến Văn Hóa, họ làm phiếu khai báo tạm trú với thời gian 3 tháng, hết thời hạn đó lại gia hạn.

Phức tạp

Qua thực tế, dễ nhận thấy việc công nhân TQ vào ra VN hoặc di chuyển giữa các tỉnh, thành là rất phổ biến và các chủ đầu tư VN gần như không thể kiểm soát được chuyện này. Ông Vũ Viết Hoàn - Phó tổng giám đốc Công ty cơ khí đúc Thắng Lợi - nói: “Mình đã làm hợp đồng rồi, chỉ biết tiến độ thôi; nhiều khi mình ép tiến độ là họ đưa công nhân ở đâu về chẳng biết, có thể là ở địa bàn khác đến. Họ cứ đi đi về về thường xuyên vậy”.

Vị trí đóng Nhà máy xi măng Văn Hóa gọi là Hung Tắt, ở đó có một con đường người dân đi vào Hung Cày để làm việc nhưng từ khi nhà máy xây dựng lên và cấm cửa con đường đó đã ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đêm về, khi hết ca làm việc, số công nhân trên lại ra ăn uống nhậu nhẹt, đi lang thang hát hò trên đường. Một số thanh niên sống gần công trường cho biết trong đám công nhân TQ cũng có vài tay “anh chị” có hành vi uy hiếp người khác. Cũng đã có vụ 5 công nhân dùng búa, gậy uy hiếp một chiếc xe taxi do mâu thuẫn về tiền cước.

Không tuân thủ quy định sử dụng lao động

Thủy điện La Hiêng 2 được xây dựng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), do Công ty cổ phần VRG Phú Yên (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư với tổng vốn 505 tỉ đồng. Dự án này có công suất 18 MW, gồm 2 tổ máy do Liên doanh nhà thầu Triết Giang 1, TQ trúng thầu với thời gian thi công 30 tháng, khởi công tháng 9.2009.

Sau khi trúng thầu, nhà thầu TQ đã đưa công nhân từ TQ sang để thi công Nhà máy thủy điện La Hiêng 2. Ông Lê Văn Bạch - Tổng giám đốc Công ty cổ phần VRG Phú Yên, cho biết: “Nhà thầu TQ trúng thầu trọn gói nên toàn bộ trang thiết bị, thi công đều do họ đảm nhận, kể cả sử dụng lao động”.

Theo quy định, lao động nước ngoài làm việc tại VN phải là những chuyên gia, lao động có tay nghề cao. Nhưng tại công trình thủy điện La Hiêng 2 hiện nay, trong số những lao động người TQ đã được cấp giấy phép, theo ban quản lý dự án chỉ có 8 người là chuyên gia, còn lại hầu hết là “lao động có tay nghề”. Thực chất “có tay nghề” ở đây chủ yếu là công việc phổ thông, trong đó có cả người nấu ăn, thợ hồ, thợ mộc…

Công nhân TQ đến công trình thủy điện La Hiêng 2 với hình thức du lịch. Đây là hình thức xuất khẩu lao động trá hình, vì theo ông Nguyễn Xuân Ngân, cán bộ Phòng việc làm - an toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên): “Những lao động dưới 3 tháng thì không được cấp phép và họ không được phép lao động tại công trường”. Trong khi đó, số liệu từ Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết, đến nay ngành chức năng đã cấp giấy phép lao động cho 159 lao động người TQ có tay nghề và chuyên gia tham gia làm việc tại công trình thủy điện La Hiêng 2. 

Người dân  sống gần tuyến đường từ thị trấn La Hai đi Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) vô cùng bức xúc với tình trạng công nhân TQ lái ô tô chạy bạt mạng. Anh Mai Xuân Hùng ở thị trấn La Hai bức xúc: “Họ (công nhân TQ) lái ô tô chạy như bay, trong khi đường đèo dốc quanh co và chật hẹp. Người dân ở đây nhìn thấy xe ô tô của công nhân TQ chạy trên đường là phải tránh xa, chứ không họ tông chết. Đã từng xảy ra việc công nhân TQ lái ô tô tông chết bò nhưng lại hành hung người dân nên đã xảy ra mâu thuẫn với người dân địa phương”.

Đức Huy

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.