Ma trận vé tàu

31/08/2011 07:21 GMT+7

Những ngày nghỉ lễ, tình trạng nhà ga hết vé, trong khi cò vé chợ đen lộng hành, các đại lý tăng giá vé vô tội vạ là nỗi khổ đối với những người ở Hà Nội muốn về quê, hoặc đi du lịch.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong ngày 29 cũng như sáng 30.8, trước ga Hà Nội, tình trạng “cò” vé bủa vây, đeo bám khách diễn ra công khai. Cò vé ở cửa ga đa phần là nữ giới, tuổi ngoại ngũ tuần…

Khi biết tôi có ý định mua vé tàu về TP Vinh (tỉnh Nghệ An), ba “cò” mặc áo chống nắng, mặt bịt khẩu trang lôi tôi ra đầu phố Trần Hưng Đạo để “tiếp thị”.

Theo lời của mấy “cò” này, vé giường nằm, nằm cứng điều hòa, ngồi mềm… đi giờ nào, ngày nào cũng có. Giá vé nằm cứng điều hòa tuyến Hà Nội - Vinh (khởi hành ngày 31.8) được “cò” rao bán 350.000 đồng/vé, trong khi giá gốc là 240.000 đồng. Còn vé Hà Nội - Vinh khởi hành tối ngày 1.9, được coi là khó mua hơn cả thì được bán vênh so với gốc là 130.000 đồng/vé. Ngoài vé đi Vinh, vé tuyến Hà Nội - Lào Cai cũng được rao bán rất nhiều.

 
Giá gốc 210.000 đồng nhưng chiếc vé Hà Nội - Lào Cai này được một công ty du lịch bán giá 300.000 đồng - Ảnh: H.A

Trái ngược với “chợ vé đen” trước cửa, tại quầy vé trong ga, không ít khách đi tàu thất vọng ra về. Anh Phạm Quốc Khánh (ngụ ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) phản ảnh: “Chiều thứ sáu ngày 26.8, tôi tới ga mua 3 vé về Vinh tối ngày 1.9. Khi xếp hàng tới lượt, chị bán vé cho biết đã bán hết, nhưng ra tới cửa, lại được phe vé gọi bán cho vé đi Vinh với giá chênh 110.000 đồng/vé”.

Không chỉ hết vé trong ga, còn vé ngoài ga, các đại lý bán vé và các công ty du lịch cũng trở thành những “ma trận” vé tàu. Tại đại lý bán vé tàu trên đường Châu Long, Q.Ba Đình, Hà Nội bảng giá vé giường nằm điều hòa khoang 4 là 600.000 đồng, chênh 140.000 đồng. Tương tự vé giường nằm khoang 6 người, có và không có điều hòa cũng chênh lệch từ 100.000 đến 150.000 đồng so với vé của nhà ga.

Đến một công ty du lịch ở phố Bát Đàn, hỏi mua vé giường nằm, ngồi đi Lào Cai, chúng tôi mua được chiếc vé ngồi mềm, toa điều hòa giá trên phiếu thu 300.000 đồng. Người bán giải thích: “Đáng ra vé này giá 350.000 đồng nhưng anh mua thứ 7 nên vẫn còn và giá mới giảm như vậy”.

Hỏi vé giường nằm vào ngày thứ 5, 6 khoang 6 người, nhân viên này cho biết, giá dao động từ 500.000 đến 600.000 đồng tùy thời điểm, tức là cao hơn 150.000 đồng đến 250.000 đồng so với giá gốc. Xem kỹ tấm vé vừa mua, khi bóc hai thanh ghim dập tờ hướng dẫn thì phần giá gốc 210.000 đồng hiện ra. Phía sau vé là tờ đăng ký có ghi nơi bán là số 5 ngõ 107A Tôn Đức Thắng, Hà Nội, một trong 14 đại lý bán vé chính thức của ga Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề trên, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó ga Hà Nội cho biết: vài năm gần đây, nhà ga không cho “cò” vé vào ga, lực lượng này vì thế dạt sang đầu đường Trần Hưng Đạo nên nhà ga không có thẩm quyền xử lý.

Cũng theo bà Hà, trong những dịp cao điểm, nhà ga sẽ từ chối phục vụ cho khách du lịch. Người mua từ 10 vé trở lên sẽ phải làm cam đoan và ghi rõ địa chỉ cũng như chính minh thư.

Về việc nhà ga hết vé, nhưng cò vé lại có, Phó ga Hà Nội cho biết, nhà ga tổ chức bán vé sớm, rồi phát triển bán vé qua tin nhắn, điện thoại. Còn khách đi tàu cứ đợi tới ngày đi mới ra ga mua vé nên việc hết vé là đương nhiên. Bởi lẽ, theo bà Hà, ga Hà Nội cũng là một đơn vị kinh doanh, mà đã kinh doanh thì bất kỳ ai cũng mong muốn bán được thật nhiều vé. Về việc giá vé của các công ty du lịch bán ra cũng cao hơn giá gốc, bà Hà cho biết: “Các công ty du lịch nắm được nhu cầu đi lại nên mua vé về, giá bán của họ cao thì nên kiến nghị với ngành du lịch, trách nhiệm không thuộc nhà ga. Còn các đại lý bán vé của ga là đơn vị hợp tác làm ăn với mình, nhà ga không có quyền phạt hay xử lý gì họ được”.

Hà An - Thông Chí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.