Sự việc thật sự gây sốc, có lẽ từ nhạc sĩ Phạm Tuyên, người có ca khúc bất hủ Như có Bác trong ngày vui đại thắng được hát suốt 36 năm qua, từ trẻ nhỏ mẫu giáo cho tới người già, nói không quá lời thì hầu như đều hơn một lần nghe, hơn một lần hát trong đời. Vậy mà đến tuổi 82 của mình, ông vẫn chưa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ vì không làm đơn do sự tự trọng của một nhạc sĩ -nghệ sĩ.
Tôi tán thành việc quy định cần phải có đơn và hồ sơ để Hội đồng xét duyệt các cấp xem xét. Song có lẽ cũng không nên quá cứng nhắc đối với những nhân vật nổi tiếng khi những tác phẩm bất hủ của họ đã được xã hội biết đến, đã được thực tế kiểm định và đã được cuộc sống thừa nhận, đi vào lịch sử thì nên có sự xem xét đặc biệt, tạm gọi là đặc cách.
Đã đến lúc cần xem xét lại cách thẩm định, bầu chọn của Hội đồng xét duyệt các cấp, ở đó, không chỉ thuần túy là những người có tầm, có uy tín mà còn phải công tâm, nhiệt huyết, đầy trách nhiệm với những trường hợp được đưa ra mỗi năm. Nên chăng, những lá phiếu của mỗi thành viên trong Hội đồng xét duyệt cần được công bố công khai. Đối với những trường hợp xét đặc cách, để tránh sự cố đã được xét tặng nhưng họ lại từ chối, chúng ta nên cử người có trách nhiệm gặp đối tượng, thông báo, trao đổi để nếu họ vui lòng để hội đồng xem xét thì cũng là rất đáng làm, như vậy, sợ gì chuyện “bị lố” như ai đó lo lắng, băn khoăn.
Nhân chuyện xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay có nhiều điều bất ổn, chúng ta cũng nên xem lại cả việc xem xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân, tránh để nhiều nghệ sĩ tên tuổi, đã gắn bó cả cuộc đời với nghệ thuật, rất xứng đáng được trao danh hiệu mà mãi không được chỉ vì chuyện không đâu: họ không thuộc một đơn vị nghệ thuật nào!
Có một câu chuyện thật ngỡ ngàng, cũng là chuyện xin - cho nhưng ở lĩnh vực huân chương. Cụ bà quả phụ Trịnh Văn Bô, nhà tư sản dân tộc yêu nước nổi tiếng thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945. Người nuôi chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ T.Ư Đảng trong những ngày chuẩn bị giành độc lập, người đã hiến 5.147 lạng vàng cho cách mạng khi còn đầy gian khó, có kể với tôi rằng gia đình cụ được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng nhất, một cho cụ ông Trịnh Văn Bô vào năm 1988 (truy tặng) và một cho bà quả phụ Trịnh Văn Bô (Hoàng Thị Minh Hồ) năm 1990. Việc làm đó xứng đáng và rất nhiều người biết, vậy mà dăm năm sau ngày cụ được trao huân chương ấy, gia đình cụ hay tin kèm theo huân chương sẽ còn có chế độ vật chất đi cùng, khi cụ mang 2 huân chương đó tới cơ quan có trách nhiệm để trình bày xin chế độ thì được trả lời phải làm đơn kèm theo lý lịch có xác nhận của địa phương nơi cư trú cũng như quê hương các cụ. Thật vô lý vì khi được thưởng huân chương, các cụ đều đã khai báo đầy đủ, lý gì phải khai báo lại? Vậy là cụ tự ái không làm đơn cứu xét nữa. Nay cụ bà Trịnh Văn Bô đã 98 tuổi, thuộc loại “xưa nay quá hiếm” vẫn đượm buồn mỗi khi nhắc lại chuyện cũ. Nên chăng, những trường hợp đặc biệt có một không hai như thế, chúng ta phải có lối ứng xử thật đặc biệt. Phải tự tìm đến với họ rồi đề xuất với cấp trên, tránh quá cứng nhắc.
Hành Thiện
Bình luận (0)