Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông John Weaver, Cố vấn trưởng của Văn phòng FAO tại VN về vấn đề trên.
Cố vấn trưởng của Văn phòng FAO John Weaver |
Mối quan ngại lớn nhất đối với dòng vi-rút H5N1-2.3.2.1 là gì, thưa ông?
Đó chính là việc các loại vắc-xin hiện có không đủ sức kháng cự lại dòng vi-rút mới này. Nguyên nhân là tính kháng nguyên của dòng vi-rút mới đã thay đổi - nói nôm na là kháng thể được tạo ra bởi các loại vắc-xin hiện có không còn khả năng nhận ra “khuôn mặt” của dòng vi-rút mới.
Cần bao lâu để có thể chế tạo ra loại vắc-xin ngừa dòng vi-rút mới này?
Sử dụng các phương pháp thao tác phân tử hiện đại sẽ giúp phát triển nhanh chóng loại vắc-xin mới phù hợp. Thế nhưng, quá trình sản xuất và thử nghiệm vắc-xin cần một khoảng thời gian nhất định. Tôi e là phải đến năm sau chúng ta mới có thể sử dụng vắc-xin mới này.
Đâu là các nguồn lây nhiễm chính và cần phải làm gì để giảm nguy cơ này?
Các biện pháp phòng ngừa phải tập trung tối đa vào việc hạn chế vi-rút lây lan sang cả gia cầm và con người. Con đường để vi-rút có thể phát tán là từ chim trời sang chim trời. Phân bón, lông chim, các phương tiện vận chuyển và quần áo cũng là con đường cho vi-rút phát tán.
"Các biện pháp phòng ngừa phải tập trung tối đa vào việc hạn chế vi-rút lây lan sang cả gia cầm và con người" |
Đàn vịt, gà chính là nguy cơ và nguồn lây nhiễm chính. Điều đáng lưu tâm là khi bị lây nhiễm, chúng không có các biểu hiện lâm sàng và do vậy có thể sẽ không bị phát hiện. Vấn đề mấu chốt khi đối phó với dịch cúm gia cầm tại VN chính là sự thiếu vệ sinh và an toàn sinh học tại các nông trại, từ những người thu mua gia cầm tại các chợ, cũng như tại các lò giết mổ. Cần phải đẩy mạnh cải tiến khâu chế biến cũng như buôn bán gia cầm.
Ông có khuyến nghị nào đối với những người dân trực tiếp tham gia vào quá trình chăn nuôi, giết mổ và vận chuyển gia cầm?
Tuyệt đối cách ly đàn gia cầm đang chăn nuôi với người sinh sống trong cùng khu vực. Khi bước vào khu vực chăn nuôi gia cầm, cần phải thay ngay giày dép, mặc quần áo bảo vệ và rửa tay sạch sẽ. Không cho người mua gia cầm bước vào khu vực chăn nuôi đó. Không tiến hành giao nhận thức ăn chăn nuôi trong khu vực có gia cầm. Chỉ mua các loại chim có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng và cách ly chúng trong 2 tuần để đảm bảo chúng hoàn toàn khỏe mạnh. Báo ngay với cơ quan chức năng khi đàn gia cầm chết hoặc có những biểu hiện sức khỏe bất thường.
Đối với người thu mua gia cầm tại các chợ và lò giết mổ, luôn rửa sạch cơ thể và xịt thuốc khử khuẩn.
Ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) - chiều 30.8 cho biết vi-rút cúm trên đàn gia cầm ở các tỉnh phía Bắc đã biến thể. Tại Phú Thọ đã phát hiện dòng vi-rút H5N1 - 2.3.2 nhánh B (FAO gọi là vi-rút H5N1 - 2.3.2.1), dòng vi-rút mới xuất hiện tại VN. Trước đó, các nhà khoa học cũng đã xác định được dòng vi-rút này trên đàn gia cầm ở phía Bắc. Theo ông Kỳ, dòng vi-rút mới này được xác định là có độc lực cao so với dòng vi-rút trước đó. Hiện Cục Thú y đang cho thử nghiệm khả năng kháng thể của dòng vắc-xin do VN sản xuất, nếu đáp ứng tốt sẽ dùng để tiêm đại trà. Quang Duẩn |
VN chưa ghi nhận sự biến đổi của vi-rút cúm H5N1 trên người Trước thông tin về việc vi-rút cúm gia cầm H5N1 biến đổi, hôm qua 30.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết liên tục những năm qua, các nhà khoa học trong nước vẫn nghiên cứu về sự biến đổi của vi-rút này nhưng hiện chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy vi-rút H5N1 trên người đã biến đổi thành một chủng mới. Tại thời điểm này, VN vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ Tổ chức Y tế thế giới xác nhận việc vi-rút cúm H5N1 trên người tại VN đã biến đổi. Liên Châu |
An Điền
(thực hiện)
Bình luận (0)