Hôm nay (31.8), Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI - ADR) TP.HCM chính thức ra mắt.
Đây là trung tâm quản lý về an toàn thuốc và cảnh giác dược khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào), nằm trong hệ thống thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc ở VN, trực thuộc Bộ Y tế và hoạt động dưới sự quản lý hành chính của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
|
Nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Trung tâm DI - ADR TP.HCM, cho biết: do chưa có quy định pháp lý rõ ràng nên các báo cáo thông tin thuốc gửi trung tâm còn mang tính hình thức. Hơn nữa, phản ứng của y bác sĩ tham gia vào vấn đề này, đặc biệt đụng tới sai sót y khoa khi cho thuốc, là không báo cáo nếu không bị buộc báo cáo.
Bài học từ thảm họa 12.000 trẻ dị dạng
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sai sót thuốc có thể xảy ra ở mọi nơi và mọi đối tượng. Hậu quả của nó ở mức độ từ nhỏ đến lớn và có thể không lường trước được. Thế giới từng chứng kiến thảm họa về tác hại của thuốc kinh khủng nhất từ trước đến nay, làm hàng ngàn trẻ em bị dị dạng, vào những năm 1950-1960.
“Cơn khủng hoảng” này xuất phát từ thuốc Thalidomide, được sản xuất năm 1950 bởi một hãng dược ở Đức. Đây là loại thuốc an thần mạnh và thuốc chống nôn, đặc biệt chống nôn cho phụ nữ mang thai. Thalidomide được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới vào khoảng năm 1958-1961.
Đến tháng 11.1961, các nghiên cứu độc lập ở châu u và Úc xác định mối liên hệ giữa Thalidomide với một đợt bùng phát các khuyết tật chi bẩm sinh.
|
Thuốc nhanh chóng được thu hồi nhưng trước đó đã có khoảng 12.000 trẻ em được xác định bị ảnh hưởng. Một số lớn có sự bất thường nghiêm trọng trong cơ thể (quái thai, dị tật), dẫn đến tỷ lệ tử vong sớm gần 40%.
Sau thảm họa thuốc Thalidomide, WHO đã thành lập Trung tâm Theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Năm 1999, VN trở thành thành viên thứ 59 của tổ chức này.
Lỏng lẻo cảnh báo thuốc
Cũng theo WHO, sai sót trong sử dụng thuốc có thể xảy ra khi điều dưỡng hoặc y tá đưa thuốc cho bệnh nhân uống, tên thuốc gần giống nhau, hình dạng của viên thuốc na ná nhau, dễ dẫn đến nhầm lẫn. Mặt khác, trong quá trình tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ không dặn dò kỹ, bệnh nhân uống sai cũng sẽ gây hại cho sức khỏe,… Rất hiếm bệnh viện và bác sĩ đánh giá chức năng gan, thận của bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc điều trị.
Tại VN, từ năm 2009, ngành y tế đã thành lập một Trung tâm DI - ADR Quốc gia. Tuy nhiên, “thực tế, hệ thống cảnh giác dược ở VN còn khá nhiều tồn tại. Cụ thể: chưa toàn diện, chưa kết nối chặt chẽ với các chương trình y tế, thử nghiệm lâm sàng, thuốc y học cổ truyền; khung pháp lý thiếu hướng dẫn mang tính thực hành; thiếu cán bộ chuyên trách ở tuyến cơ sở…”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm DI & ADR Quốc gia, đánh giá.
|
Theo báo cáo của Trung tâm DI - ADR Quốc gia, mỗi năm chỉ nhận được 1.000 báo cáo bình đơn thuốc từ các cơ sở y tế trong cả nước gửi về. Trong khi quy định của WHO phải gấp 10 lần con số này.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương, qua việc kiểm tra hàng chục nghìn mẫu thuốc mỗi năm cho thấy, số lượng thuốc kém chất lượng luôn chiếm từ 2,67 - 3,33% số mẫu kiểm nghiệm. Ngoài ra, tỷ lệ thuốc giả cũng tăng từ 0,09% (năm 2005) lên 0,12% (năm 2009), đó là chưa tính đến số thuốc giả đã được công an và quản lý thị trường phát hiện.
Vì vậy,Tiến sĩ Hoàng Anh nêu quan điểm việc phát triển hệ thống phối hợp cấp quốc gia để đảm bảo an toàn thuốc ở tất cả các cấp độ của hệ thống y tế VN là điều rất cần thiết hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc tại VN.
Viên An
Bình luận (0)