Phải thừa nhận, cơ sở để NHNN khẳng định điều này là hoàn toàn thực tế.
Đó là tăng dự trữ bắt buộc thêm 1% để hạn chế vay; dự trữ ngoại hối 6 tỉ- 7 tỉ USD; cán cân thanh toán thương mại thặng dự khá... Nghĩa là nguồn cung dồi dào, có thể giúp cơ quan quản lý can thiệp thị trường khi cần thiết, giữ cho tỷ giá không thể biến động mạnh. Nếu chỉ nhìn vào nguồn cung, có thể tạm an tâm. Tuy nhiên, việc "lờ" đi lực cầu, yếu tố quan trọng nhất gây sức ép lên tỷ giá của NHNN khiến cho tuyên bố trên trở nên thiếu thuyết phục. Chúng ta đều biết cầu ngoại tệ căng thẳng nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu thanh toán, nhập hàng hóa, nguyên liệu của các doanh nghiệp để phục vụ mùa tết tăng vọt. Năm nay cũng không ngoại lệ. Thậm chí, việc CPI giảm nhẹ vào cuối năm sẽ khiến sản xuất mở ra. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, nhất là những ngành nghề đang "đói" nguyên liệu những tháng gần đây sẽ tăng cao. Hoặc thị trường vàng "bùng" lên một vài lần, buộc phải xuất ngoại tệ, nhập khẩu vàng để bình ổn như đã từng làm... cũng đủ gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới. Chưa kể tuyên bố "neo" tỷ giá của NHNN như nói trên sẽ khiến doanh nghiệp càng "mặn" vay ngoại tệ hơn. Bởi rủi ro tỷ giá, yếu tố đáng lo nhất trong việc vay ngoại tệ được loại bỏ trong khi lãi suất USD dù tăng (do tăng dự trữ bắt buộc) thì độ "chênh" giữa lãi suất VNĐ và USD vẫn cao. Vay USD đương nhiên vẫn có lợi hơn và doanh nghiệp, chẳng dại gì không chọn ngoại tệ này trong phương án vay vốn của mình.
Trên thực tế, việc biến động tỷ giá phụ thuộc vào cung - cầu. Nên chỉ cân đối cung - cầu mới chắc chắn được việc "neo" tỷ giá ở biên độ thấp như nói trên. Ngược lại, nếu cầu vẫn lớn hơn cung, ngay cả khi NHNN dùng mọi biện pháp để "ép" tỷ giá thì chắc chắn tình trạng 2 giá mà ta đã nỗ lực rất nhiều để dẹp bỏ sẽ tái xuất trở lại. Thiếu định lượng sẽ dẫn đến thiếu niềm tin và sẽ không thể loại bỏ được tỷ giá kỳ vọng.
Ổn định tỷ giá là điều cần thiết nhưng trong bối cảnh lực cầu còn quá lớn, tiền đồng đang được định giá quá cao, cần phải điều chỉnh thì mọi tuyên bố đều là quá sớm và không đủ sức thuyết phục. Cái mà doanh nghiệp cần là một lộ trình cụ thể để yên tâm, chủ động trong hoạt động kinh doanh chứ không phải một tỷ giá bị ép "cố định" nhưng tiềm ẩn các nguy cơ có thể "bung" ra bất ngờ như đã từng xảy ra. Nên để bao nhiêu, linh hoạt tỷ giá thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường thay vì mục tiêu mang tính thành tích là việc mà NHNN nên làm hiện nay.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)