Theo đó, ở bậc MN: mức thu của nhà trẻ áp dụng với khu vực thành thị (KV1) sẽ là 100.000 đồng/tháng (tăng 40.000 đồng so với hiện nay), khu vực nông thôn (KV2) là 60.000 đồng/tháng (tăng 20.000 đồng). Lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày với 2 khu vực trên lần lượt là: 70.000 đồng/tháng (tăng 40.000 đồng), 50.000 đồng (tăng 30.000 đồng); học 2 buổi/ngày mức thu cũng lần lượt là: 90.000 đồng/tháng (tăng 40.000 đồng), 70.000 đồng (tăng 35.000 đồng).
Đặc biệt ở bậc THCS và THPT mức học phí áp dụng sẽ tăng rất cao. Cụ thể ở bậc THCS: KV1 tăng từ 12.000 đồng lên 40.000 đồng/tháng, KV2 tăng từ 6.000 đồng lên 30.000 đồng; ở bậc THPT: KV1 tăng từ 20.000 đồng 70.000 đồng, KV2 từ 15.000 đồng lên 50.000 đồng. Đối với khu vực xã đặc biệt khó khăn - vùng cao (KV3), học sinh được miễn học phí đồng thời ngân sách sẽ cấp bù kinh phí với định mức 30.000 đồng/học sinh/tháng x 9 tháng.
Theo đề án quy định mức thu học phí này của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc điều chỉnh mức thu học phí trên nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động nhân dân tham gia đóng góp học phí để cùng ngân sách đảm bảo các hoạt động chi cho giáo dục.
Cũng theo đề án này, từ năm 2003 đến nay, mức lương cơ bản đã tăng từ 290.000 đồng lên 830.000 đồng; trong khi đó mức thu học phí từ năm 2003 đến nay vẫn không thay đổi và toàn bộ số kinh phí chi cho các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng do chênh lệch nâng lương nói trên đều phải bù từ ngân sách.
Hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục là rất lớn, chiếm khoảng 20% trên tổng chi ngân sách quốc gia hàng năm; trong đó, ngân sách tỉnh Lâm Đồng chi cho giáo dục những năm gần đây chiếm khoảng 24%. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách chi cho giáo dục như thế cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên (chi lương và các khoản theo lương) chứ chưa thể đáp ứng được nhu cầu chi cho phát triển giáo dục.
Gia Bình
Bình luận (0)