“Rọi ánh sáng vào 45 năm của nền ngoại giao Mỹ, đây là thời điểm để mở cửa văn khố mãi mãi”, một thông điệp trên trang Twitter của WikiLeaks viết vào đêm 1.9.
Việc công bố toàn bộ các bức điện sẽ mở toang cánh cửa về nền ngoại giao Mỹ, vốn được hé ra lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái, khi WikiLeaks và vài tổ chức truyền thông lớn trên thế giới bắt đầu tiết lộ những bức điện chọn lọc.
|
Tiến trình công bố diễn ra chậm rãi với ít hơn 20.000 bức điện xuất hiện trên Internet cho đến cuối tuần trước, khi WikiLeaks bất thình lình đẩy mạnh việc công bố và đưa thêm gần 134.000 bức điện lên mạng.
Tuy nhiên, việc công bố những nội dung chưa qua biên tập của các bức điện sẽ biến các nỗ lực trước đây của WikiLeaks và các nhà báo, nhằm xóa bỏ danh tính những người có nguy cơ bị các chính phủ hà khắc đàn áp, trở nên vô nghĩa.
Những người cung cấp thông tin ngoại giao cho Mỹ bao gồm các nhà hoạt động chính trị, các học giả và các nhà báo… Họ có thể đối mặt với việc bị trả đũa vì phát biểu thẳng thắn với các nhà ngoại giao Mỹ.
Sơ sót chết người?
Trong khi chưa có hậu quả nào nặng hơn việc bị mất việc được tường thuật cho đến nay, cả các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và các nhà bảo vệ nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về khả năng những người bị nêu tên trong những bức điện có thể đối mặt với việc bị tống giam hoặc tệ hơn, theo tờ New York Times.
Trước khi toàn bộ hồ sơ được công bố vào đêm 1.9, một tập tin được mã hóa chứa nội dung các bức điện đã được WikiLeaks đăng tải một cách tình cờ trên mạng. Nó được sao chép và đăng lại tại nhiều địa điểm trên Internet sau đó.
Theo tờ New York Times, tập tin này có thể được mở nhờ một mật mã nằm trong một cuốn sách về WikiLeaks được xuất bản vào đầu năm nay của hai tác giả David Leigh và Luke Harding thuộc tờ The Guardian.
Vào đêm 1.9, các website đã đăng tải những nội dung không được mã hóa của toàn bộ các bức điện cùng với các công cụ để tìm kiếm dữ liệu. Chính vì thế, WikiLeaks thừa nhận họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công bố toàn bộ các bức điện.
|
Tranh cãi trách nhiệm
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói WikiLeaks đã "tiếp tục thể hiện cách hành xử nguy hiểm, khinh suất và vô trách nhiệm vốn có từ lâu”.
Vào năm ngoái, các nhóm nhân quyền đã chỉ trích WikiLeaks và người sáng lập Julian Assange sau khi tổ chức này công bố hồ sơ chiến tranh Afghanistan mà không xóa tên các công dân Afghanistan cung cấp thông tin về phong trào Taliban cho quân Mỹ.
Taliban đã thề sẽ trừng phạt những người này song vào đầu tuần, Bộ Quốc phòng Mỹ nói họ không nhận biết về hành động báo thù nào.
WikiLeaks, tổ chức thành lập vào năm 2006 với nguyên tắc rằng các bí mật của chính phủ phải được tiết lộ, đã cẩn trọng hơn nhiều trong các vụ công bố sau đó.
Họ sử dụng phần mềm để lược bỏ tên những người đối mặt với nguy cơ trong các hồ sơ chiến tranh Iraq và hợp tác với các tổ chức truyền thông để biên tập những bức điện ngoại giao của Mỹ.
Khả năng các nguồn tin ngoại giao có thể bị tổn thương như là kết quả từ việc công bố các bức điện chưa được biên tập đã làm phát sinh cuộc tranh cãi ầm ĩ về người chịu trách nhiệm cho việc này.
Trong một thông báo, WikiLeak đã quy trách nhiệm cho ông Leigh, biên tập phụ trách điều tra của tờ The Guardian, người sử dụng mật mã 58 ký tự làm phần đề từ cho một chương trong cuốn sách “WikiLeaks: Inside Julian Assange’s War on Secrecy” (Tạm dịch: WikiLeaks: Bên trong cuộc chiến vì bí mật của Julian Assange”).
Tuy nhiên, trong một bài báo trên trang mạng của tờ The Guardian, ông Leigh nói ông Assange đã cam đoan với ông khi cung cấp mật mã rằng, mật mã này chỉ có hiệu lực trong vài giờ. Vì thế, ông cho rằng nó đã không còn tác dụng khi cuốn sách được xuất bản.
Trên thực tế, tập tin mã hóa chứa nội dụng các bức điện đã tình cờ được một nhân viên của WikiLeaks sao chép và cuối cùng đã lan truyền trên mạng.
Sơn Duân
Bình luận (0)