Chưa bao giờ dòng tiền chảy trong các giao dịch tài chính liên quan tới mặt hàng nông nghiệp lại lớn như hiện nay. Riêng quý 4-2010, số tiền đầu tư vào các mặt hàng này đã tăng gấp ba lần so với quý 3.
Giá lương thực tăng kỷ lục, hơn 1 triệu người đói
Thế nhưng, song song với mức sở hữu chứng khoán nông nghiệp, giá lương thực cũng tăng theo. Tháng 3-2011, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố giá của nhiều mặt hàng nông nghiệp đã tăng kỷ lục, vượt cả giá của thời khủng hoảng lương thực năm 2008.
Từ lâu nay, các chính phủ đã để lợi ích các tập đoàn và các thành phần quyền lực lên trên nhu cầu của 7 tỉ người về sản xuất và tiêu thụ lương thực
|
|
Marita Wiggerthale - chuyên gia nông nghiệp của Tổ chức Oxfam - nhận định |
Một người Mỹ chỉ chi 13% tổng thu nhập của mình cho ăn uống. Nhưng với những người nghèo trên thế giới, tỉ lệ này chiếm tới 70% thu nhập của họ. Do đó, mức tăng như vậy có thể đe dọa mạng sống của họ. Chỉ riêng từ tháng 7-2010, giá lương thực đã khiến 44 triệu người trên thế giới rơi xuống mức nghèo đói với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Hơn 1 tỉ người trên thế giới đang bị đói. Nạn đói hiện nay ở vùng Sừng châu Phi không chỉ là hậu quả của hạn hán, nội chiến, tham nhũng, mà còn của cả giá lương thực cao.
Những nguyên nhân thường được nhắc tới khi phân tích thực trạng giá lương thực tăng cao là biến đổi khí hậu, sản xuất nhiên liệu sinh học, dân số tăng quá nhanh, các nền kinh tế mới nổi tiêu thụ nhiều hơn, giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng thịt tăng...
Bong bóng đầu tư trong nông nghiệp
Thế nhưng, theo Olivier de Schutter - chuyên gia về quyền được ăn tại Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân chính là tình trạng bong bóng đầu cơ trong bối cảnh tình hình tài chính toàn cầu đang khó khăn. Ông chỉ rõ những người có tội thật sự chính là những nhà đầu tư lớn: tranh thủ thị trường tài chính đang hết tiền, họ đã đầu tư mạnh vào các giao dịch hàng hóa trong thị trường nông nghiệp. Ông cho rằng đầu tư quá mức là nguyên nhân hàng đầu khiến giá cả lương thực tăng.
Nhà kinh tế trưởng của Hội nghị thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) Heiner Flassbeck từ lâu cũng đã lo ngại về thực trạng đầu cơ này. Sau khủng hoảng tài chính 2008, nhóm nghiên cứu của ông đã theo dõi những thay đổi về giá cả của tiền tệ, hàng hóa, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu. Trong báo cáo “Sự hình thành giá trong các thị trường hàng hóa tài chính hóa: vai trò của thông tin”, họ đã nêu ra một nội dung đầy bất ngờ.
Theo họ, thị trường hàng hóa đã không hoạt động một cách thích hợp, hoặc ít nhất là không giống như cách một thị trường đáng lý phải hoạt động, theo đó giá cả được hình thành do quan hệ cung cầu. Các thành phần tài chính tham gia đã đẩy giá hàng hóa tăng cao. Chính điều này đã khiến giá lương thực bị bóp méo. “Các thành phần tham gia thị trường đã đưa ra những quyết định mua bán dựa trên các yếu tố không liên quan tới hàng hóa, như xu hướng hay tương lai kinh tế thế giới xấu đi hay tốt hơn” - báo cáo của UNCTAD kết luận.
Đầu tư nhiều tiền kiếm nhiều tiền
Thực tế giá thỏa thuận hợp đồng tương lai này lại ảnh hưởng tới giá thị trường thực, như Maximo Torero thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế mô tả. Sự liên quan của ngành tài chính đã khiến thị trường lương thực từng có thời có thể dự báo được thì nay hoàn toàn vượt khỏi quỹ đạo.
“Sự bùng nổ các cơ hội đầu cơ trong gạo, dầu ăn, thị trường gia súc toàn cầu đã gây ra vòng tròn tội lỗi” - Frederick Kaufman viết trên tờ Foreign Policy trong bài “Làm thế nào Goldman Sachs đã tạo ra khủng hoảng lương thực?”. Và ông đi đến một kết luận: giá mặt hàng lương thực càng tăng, tiền càng đổ vào lĩnh vực này và giá càng tăng thêm.
Năm 2009, ngân hàng đầu tư Mỹ này đã kiếm được hơn 5 tỉ USD từ đầu cơ hàng hóa, tức hơn 1/3 lợi nhuận trừ thuế. Khi thị trường không được điều tiết, số các nhà đầu cơ kiếm tiền từ cơn đói của người khác sẽ còn tăng. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ cần giá lương thực thế giới tăng 10% thì sẽ có thêm 10 triệu người bị đẩy xuống dưới mức nghèo đói. Dù có đủ lương thực cho tất cả, nhưng nhiều người sẽ chết đói vì họ không có đủ tiền mua.
Việc cung cấp đủ lương thực cho dân chúng, để ai cũng có bữa cơm đủ chất dinh dưỡng là trách nhiệm của chính phủ. Các nhà đầu tư cho rằng trách nhiệm của họ không phải là sản xuất ra nhiều lương thực với giá cả phải chăng. Họ chỉ muốn đầu tư nhiều tiền và kiếm nhiều tiền hơn.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)