Chống chọi với những cơn bệnh của thực phẩm

04/09/2011 18:18 GMT+7

Chưa hết nỗi lo giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cứ theo đà tăng mà hiếm khi… giảm, 3 năm trở lại đây, hàng loạt vụ thực phẩm độc hại được phát hiện, làm người tiêu dùng (NTD) hoang mang tột độ. Liệu NTD phải tự bảo vệ mình hay trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất?

Nỗi ám ảnh mang tên thực phẩm “bẩn”

Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, thế giới phải chứng kiến những phát hiện kinh thiên, động địa trong ngành thực phẩm. Những câu chuyện nói đến tưởng nhàm chán nhưng đã bắt đầu gieo hạt giống lo lắng trong mỗi NTD. Câu chuyện cũ nhất của ngành thực phẩm có lẽ là phát hiện thành phần melamine (thành phần làm tăng nồng độ đậm nhưng gây sỏi thận và các bệnh khác cho người sử dụng, có thể gây tử vong) trong sữa của một nhãn sữa có xuất xứ từ Trung Quốc, làm 3 trẻ em thiệt mạng và hàng trăm trẻ em khác nhập viện, khiến ngành sữa thế giới đối diện với cuộc khủng hoảng lòng tin của NTD. Ngay lập tức, ngành sữa tại Việt Nam sụt giảm doanh thu một cách đáng kể. Thậm chí có công ty còn sụt giảm một nửa doanh thu so với trước cơn bão melamine do vấp phải những lo lắng của NTD. Phải mất gần 2 năm, ngành sữa thế giới mới có thể ổn định trở lại sau cuộc chiến với sữa “bẩn”. Tiếp theo khủng hoảng của ngành sữa, NTD lại phải thất vía với thông tin thành phần u-rê có trong nước mắm và nước tương. Các đại gia trong ngành phải chạy đôn chạy đáo để chứng minh mình “trong sạch”, nhiều cơ sở sản xuất nước chấm phải đóng cửa vì đi ngược với quyền lợi của NTD.

Gần đây nhất, theo thông tin ban đầu từ Sở Y tế TP.HCM, trong vòng 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện đến 85 cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ 81%. Con số này là sự tổng kết những thông tin đáng sợ về vi phạm an toàn thực phẩm mà các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện thời gian gần đầy: Thực phẩm chứa DEHP gây ung thư, nước uống nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm… Kịch bản này lặp lại đúng những gì đã từng diễn ra với ngành sữa khi cuối tháng 5 vừa qua, cơ quan y tế của Đài Loan công bố phát hiện thành phần DEHP trong một số sản phẩm giải khát tại nước này. Thông tin trên được thế giới quan tâm và ngành nước uống lập tức rơi vào tâm chấn của DEHP. Với những tác hại như làm xáo trộn nội tiết, bé gái bị nhiễm phtalat trong DEHP sẽ dậy thì sớm trước tuổi, bé trai bị suy giảm sự phát triển bộ phận sinh dục, khiến cơ quan sinh sản của nam giới bị “teo” lại. Thậm chí DEHP còn gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong tại chỗ. Các thực phẩm đứng đầu trong danh sách có thể có chứa thành phần DEHP như: nước uống trái cây, siro, bánh quy đang góp tên vào “sổ đen” những thực phẩm cần hạn chế nếu NTD không được thông tin cẩn thận, chính xác từ các cơ quan quản lý ngành. Ông Yokomizo, TGĐ Công ty NGK Kirin Việt Nam chia sẻ: “NTD có quyền được biết những thông tin chính xác và họ là người quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi luôn coi trọng sức khỏe và chia sẻ những lo lắng của họ trong cuộc khủng hoảng chung này”.

Quyền lợi NTD có phải chuyện thừa của nhà sản xuất?

Gần 5 năm gắn bó với thị trường NGK Việt Nam, ông Yokomizo nhận định: “NTD Việt Nam rất… lành tính, nếu có vấn đề gì bất thường khi sử dụng sản phẩm, họ thường tự giải quyết mà ít khi kiện cáo”.

Vấn đề đặt ra ở đây chính là sức khỏe và quyền được chia sẻ thông tin của NTD chưa được coi trọng, trong khi những dịch chuyển kinh tế đã cho thấy, NTD có những quyền lực nhất định trong sự sống còn của doanh nghiệp. Và khủng hoảng thực phẩm là hồi chuông cảnh báo cho những doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà lờ đi sức khỏe của NTD. Một chuyên gia trong ngành thực phẩm băn khoăn: “Dù đã có các cơ quan chức năng giám sát chất lượng sản phẩm, nhưng với tốc độ phát triển nhanh của nhiều ngành hàng, NTD phải có cơ chế tự bảo vệ mình. Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất phải là những người chịu trách nhiệm đầu tiên cho sức khỏe của khách hàng”.

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM - VP luật sư Huỳnh Phước Hiệp): “Trước đây, NTD Việt Nam ít để ý tới việc khiếu kiện những đơn vị bán thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên, hiện nay, với hành lang pháp lý mới, NTD đã ý thức hơn và trở thành người quyết định sự sống còn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nếu họ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm”.

Là doanh nghiệp NGK sản xuất theo dây chuyền khép kín công nghệ Nhật Bản, Kirin Việt Nam thoát bão thực phẩm “bẩn” vì tôn trọng những cam kết muốn đem lại “sáng tạo văn hóa uống nước mới tại Việt Nam”. Điều này đã được Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM chứng thực. Các sản phẩm của Nhà máy Kirin VN không chứa DEHP, DINP, hoàn toàn tốt cho sức khỏe của NTD. Không những vậy, Kirin VN còn là một trong 32 doanh nghiệp được ghi vào Sách xanh của tỉnh Bình Dương năm 2010 vì cách thức xử lý nước thải công nghiệp tốt, thân thiện với môi trường sống của con người. Theo ông Yokomizo, “Kirin Việt Nam luôn hết sức cẩn trọng để đưa ra những sản phẩm tốt nhất, coi sức khỏe của họ là sự sống còn của chúng tôi”.

Thật sự, cuộc chiến với thực phẩm “bẩn” chỉ kết thúc khi những doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thực phẩm ra thị trường thật sự tôn trọng sức khỏe NTD và biết bảo vệ môi trường sống của họ như chính bản thân mình.

Bảo Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.