Giáo dục giảm tải

05/09/2011 06:12 GMT+7

Hôm nay 5.9, học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới. Giảm tải dạy và học là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong năm học mới; đông đảo phụ huynh, giáo viên, học sinh mong kế hoạch này đi vào thực tế chứ không chỉ nằm trên giấy.


GV và HS trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới hôm 1.9 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Muộn còn hơn không

Nhiều lần trao đổi với PV Thanh Niên về các vấn đề của giáo dục hiện nay, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN - canh cánh mong muốn điều chỉnh chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành. Khi hay tin Bộ GD-ĐT quyết định cắt giảm, điều chỉnh khá nhiều nội dung trong CT, SGK bắt đầu từ năm học này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng: “Bộ GD đã lắng nghe ý kiến góp ý xác đáng, dù muộn còn hơn không”.

Cùng tâm trạng đó, PGS Văn Như Cương nhận định: “Bộ GD-ĐT đã có một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tế. Từ lâu, khi bắt đầu thực hiện CT và SGK mới ở bậc phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12), thầy giáo, HS, cha mẹ HS và dư luận xã hội đều nhận ra một thực tế là con em chúng ta học khổ quá, vất vả quá”.

Sẽ kiểm tra thường xuyên

Trong tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, mỗi môn học đã có hướng dẫn rất cụ thể việc thực hiện điều chỉnh. GV chỉ cần nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các hướng dẫn này trong khi dạy và hướng dẫn HS đánh dấu những bài, những phần không yêu cầu phải học, phải làm. Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thanh kiểm tra thường xuyên việc thực hiện hướng dẫn trên ở các địa phương.

Ông Vũ Đình Chuẩn 
Vụ trưởng Vụ GD trung học - Bộ GD-ĐT

Tất cả đồng lòng

Từ lãnh đạo đến giáo viên (GV) trực tiếp đứng lớp hầu hết đều hào hứng với thông tin giảm tải CT.

Ông Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, nói: “Giảm tải về nội dung dạy học là rất quan trọng. Giảm tải để những nội dung vừa mang tính thiết thực vừa phù hợp hơn cho HS, đồng thời để tăng thời gian thực học cho HS”. Ông Nguyễn Đức Hải - Hiệu trưởng trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội, cũng cho rằng: “Hiện tại HS THPT học 14 môn. Số môn học nhiều gây quá tải khiến nhà trường không còn thời gian để tổ chức các chương trình giải trí, vui chơi, thể thao, văn nghệ cho HS. Theo chủ trương của Bộ, giảm tải nội dung dạy học mà không giảm số tiết của mỗi môn học đồng nghĩa với việc tăng thời gian thực học mỗi môn. Nhờ vậy, GV có thời gian đi sâu hay mở rộng một vấn đề nhất định nào đó cho HS hoặc có thêm thời gian vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến”.

Có biện pháp với dạy thêm

Thực tế, để việc giảm tải CT, SGK có hiệu quả, GV đóng vai trò rất quan trọng. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Điều lý tưởng nhất là GV phải hiểu được từng đối tượng HS để điều chỉnh phương pháp dạy học, bởi quá tải không chỉ do kiến thức khó mà còn do kiến thức thừa, hoặc dưới năng lực của HS”.

Lâu nay, GV thường kêu ca CT khó, bài tập nhiều, không dạy kịp… để lý giải cho việc HS phải học thêm ngay từ lớp 1. Khi kiểm tra những điều mà GV kêu khó thì ngành GD-ĐT mới phát hiện những kiến thức nâng cao ấy đều do GV tự ý đưa thêm vào giảng dạy chứ chúng không hề có trong CT. Một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Ngọc Lâm (Q.Long Biên, Hà Nội) tỏ ra không mấy hồ hởi trước thông tin giảm tải lần này. “Năm ngoái, con tôi học lớp 1, phải đi học thêm 3 buổi/tuần ở nhà cô. Cô lý giải là để dạy các con kiến thức nâng cao chứ nếu chỉ dạy theo SGK thì chỉ phù hợp với HS miền núi”, phụ huynh này nói.

5 nhóm nội dung giảm tải

1. Những kiến thức được viết trong CT, SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau.

2. Những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng CT, SGK theo nguyên tắc đồng tâm.

3. Những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi HS.

4. Rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương.

5. Những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại.

(Nguồn Bộ GD-ĐT)

Chính vì vậy mà nhiều phụ huynh mong muốn: không chỉ yêu cầu giảm tải, ngành GD-ĐT phải có biện pháp kiểm tra, xử lý kiên quyết hơn việc dạy thêm, học nâng cao tràn lan.

Giảm áp lực từ phụ huynh

Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khi còn đương chức đã kiên quyết đưa ra quy định không giao bài tập về nhà đối với HS tiểu học 2 buổi/ngày. Bà cho rằng: “Việc giảm tải sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ của gia đình HS”. Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) - cũng nói: “Trên thực tế, không chỉ một bộ phận GV vẫn tỏ ra không an tâm khi từ bỏ thói quen giao bài tập về nhà cho HS mà phía gia đình HS, nhiều bậc cha mẹ cũng vướng phải tâm lý này. Khi không thấy cô giáo giao bài tập về nhà cho con mình thì thắc mắc, thậm chí yêu cầu GV giao bài tập cho riêng con mình thôi cũng được”.

Một GV trường Tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần họp phụ huynh, chúng tôi phải giải thích đến “đứt hơi” rằng việc giao bài tập về nhà là không cần thiết nữa”. Hiện vẫn còn phụ huynh nếu GV không cho bài tập về nhà thì họ tự mua sách nâng cao, sách tham khảo, hoặc thuê gia sư về bắt con mình học thêm.

GS Nguyễn Lân Dũng (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận chính tâm lý quá trọng bằng cấp đã phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ của các bậc phụ huynh. Họ nghĩ rằng, cứ ép con học nhiều thì sẽ có điểm số cao, thi cử tốt, tương lai rộng mở mà không nghĩ rằng chính mình đã tạo áp lực khiến các em thấy việc học ngày một nặng nề, phản tác dụng.

Ý kiến

HS cần có thời gian học kỹ năng

“Được biết năm nay, Bộ có chủ trương tinh giản, tích hợp kiến thức các môn, vì vậy Bộ phải có kế hoạch sớm để các trường triển khai. Ngay GV cũng không biết môn nào có nội dung tương đương nhau. Ngoài việc tiếp thu kiến thức thì HS còn cần thời gian để tiếp cận các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, giao tiếp… Nếu như việc dạy và học cứ tiến hành như hiện nay thì các em đâu có thời gian để tự hoàn thiện kỹ năng”.

Ông Trần Mậu Minh
Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM)

Chỉ mới là phần ngọn

“Chủ trương giảm tải là thiện chí, phản ứng nhanh, kịp thời của Bộ GD-ĐT để có thể giải quyết phần nào bức xúc của dư luận nhưng đây chỉ là giải quyết phần ngọn. Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ 11 yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đây mới là vấn đề gốc rễ. Thời điểm này, tất nhiên Bộ làm được cái gì thì tốt cái đó. Dư luận mong mỏi Bộ sớm công bố chủ trương, kế hoạch chiến lược tổng thể về cải cách giáo dục, trong đó quy định về mục đích, nội dung và các bước đi cải cách”.

GS-TS Trần Hữu Tá
Hiệu trưởng trường THPT Trương Vĩnh Ký (TP.HCM)

Mong học và thi nhẹ nhàng

“Như nhiều thầy cô khác, chúng tôi vui và mong chờ chỉ đạo giảm tải lần này của Bộ GD-ĐT. Nhà trường rất hy vọng sự điều chỉnh kịp thời này sẽ giúp CT học và thi cử của các em thật sự nhẹ nhàng, hiệu quả. Mong những điều chỉnh vừa qua cũng sẽ tạo nên những kinh nghiệm quý báu để Bộ GD-ĐT có thể thực hiện tốt khi triển khai chu trình thay đổi SGK sắp tới”.

Nguyễn Thị Thu Cúc
Hiệu trưởng trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Sẽ có thời gian hoàn thiện bản thân

“Những môn phụ nên cô đọng lại, tập trung vào những kiến thức cơ bản, trọng tâm. Em vẫn thường nghe ba mẹ nói thời đi học, những kiến thức ba mẹ học được chắt lọc và rất dễ nhớ nên đến giờ ba mẹ vẫn không quên. Còn em bây giờ, có nhiều kiến thức chỉ học cách đây vài năm mà đã quên hết. Em thấy mừng khi nghe Bộ GD-ĐT có chủ trương giảm tải vì sau khi học tập, chúng em còn có thời gian để hoàn thiện bản thân với các kỹ năng phục vụ cho cuộc sống”.

Hồ Lê Hoàng Lam
HS lớp 12A6 trường THPT Gia Định (TP.HCM)

Phải đi đôi với giảm sĩ số

“Việc hướng dẫn giảm tải vào thời điểm này là chậm so với thực tế, bởi nhiều nơi đã bắt đầu nhập học từ 15.8. Việc làm này sẽ khiến nhiều người nghĩ Bộ GD-ĐT đang đối phó với áp lực dư luận về việc giảm tải. Để việc giảm tải đạt hiệu quả, phải giảm sĩ số lớp bởi một lớp học nếu chỉ 20 hoặc 30 HS thì GV sẽ truyền đạt tốt hơn với những lớp 40 hay 50 HS”.

Ông Nguyễn Tường Linh
Phụ huynh tại TP.HCM

Bích Thanh - Minh Luân (ghi)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.