Loại học sinh yếu!

05/09/2011 23:02 GMT+7

Tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THPT cao đã trở thành tiêu chí của nhiều trường. Để được như vậy, nhiều HS yếu kém dễ bị đẩy ra khỏi trường bằng mọi giá.

Cứ yếu là trả về gia đình

Phải trải qua 6 lần trình bày và năn nỉ hết nước con mình mới được vào học lớp 12 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) nên bà Huỳnh Sứ, phụ huynh của HS P.T.H, trường THPT dân lập Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM), vô cùng bức xúc: “Cuối tháng 5, khi cháu vừa kết thúc lớp 11, nhà trường gọi tôi lên yêu cầu rút hồ sơ chuyển cháu sang học trường khác vì yếu môn toán và tiếng Anh. Tôi có xin cho cháu nhưng giáo viên quản nhiệm cho biết nếu cứ tiếp tục theo học thì giữa năm cũng bị loại. Thời điểm đó càng khó xin chuyển hơn. Nghe vậy, dù chưa biết chỗ nào nhận con mình học tiếp, tôi đành phải rút hồ sơ”.


Các trung tâm GDTX là nơi thường phải nhận HS bị loại khỏi trường ngoài công lập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch  

Trường hợp của V.A.T, HS trường THPT dân lập Phạm Ngũ Lão (Q.Tân Bình, TP.HCM) còn bi đát hơn. Chị Hoàng Thị Chín, mẹ của T. kể lại: “Đến cuối học kỳ 1 năm lớp 12 (năm học 2010-2011), nhà trường gọi tôi lên thông báo đuổi học con tôi với lý do học yếu và hút thuốc lá trong trường. Tôi thấy việc hút thuốc lá là cháu sai nhưng còn lý do học yếu thì tôi thấy không thuyết phục”. Chị Chín thông tin thêm: “Ngoài học phí hằng tháng là 3,8 triệu đồng, tôi còn phải đóng 1 triệu đồng tiền học phụ đạo các môn yếu kém. Lúc đó chỉ còn vài tháng nữa là con tôi thi tốt nghiệp THPT, tôi đã năn nỉ hết sức, nhưng nhà trường vẫn nhất định từ chối. Tôi đành rút hồ sơ, đi hết trường này đến trường kia, nhưng không nơi nào nhận nữa vì danh sách thi tốt nghiệp đã gút lại rồi. Vậy là con tôi đành lỡ một kỳ thi. May mắn, năm nay con tôi được nhận học lại lớp 12 tại trung tâm GDTX Q.Tân Bình”…

Vì thành tích, rũ bỏ trách nhiệm của mình với HS yếu kém là cách làm phản giáo dục, thể hiện sự bất lực của nhà trường

Tiến sĩ Trương Công Thanh

Đây không phải là những trường hợp ngoại lệ. Chị Nguyễn Thị Hà, từng là phụ huynh HS của trường THPT DL Nguyễn Khuyến (TP.HCM) thừa nhận: “Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp HS yếu kém bị đào thải”. GS-TS Trần Hữu Tá - Hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký (TP.HCM) cũng thẳng thắn: “Những năm đầu mới thành lập, nhà trường cũng từng để xảy ra tình trạng đó”.

Ban giám hiệu ở đâu?

Thạc sĩ Phan Minh Khoa - Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Tân Bình (TP.HCM) ví von: “Đây mới chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm mà thôi. Năm học này, trung tâm tiếp nhận 42 trường hợp hầu hết đều thuộc diện được lên lớp nhưng học lực trung bình trở xuống”. Ông Khoa cho biết: “Không bao giờ ban giám hiệu (BGH) ra mặt và thông báo đuổi HS mà thường thông qua đội ngũ giáo viên quản nhiệm để tác động đến phụ huynh. Khi xin chuyển về trung tâm GDTX, gia đình thường núp dưới lý do như không có tiền đóng học phí, nhà xa, không đủ sức khỏe…”.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với ông Phạm Thanh Tâm - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Hồng Đức, về việc các HS yếu bị loại khỏi trường, ông Tâm quả quyết: “BGH không hề chỉ đạo quản nhiệm làm việc này. Khi phụ huynh HS nghe quản nhiệm nói vậy thì phải gặp BGH để hỏi lại chứ”. Tuy nhiên, lúc sau ông Tâm lại thừa nhận: “Những năm trước chúng tôi có loại thải những HS yếu kém, nhưng năm nay trường không làm nữa. Các trường hợp xin rút hồ sơ đều cho biết không đủ khả năng tài chính, hoàn cảnh khó khăn”.

Phản giáo dục và vô trách nhiệm

Đề cập vấn đề này, ông Phạm Anh Ba - Trưởng phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: “Sở đã nhiều lần yêu cầu và nghiêm cấm các trường dân lập, tư thục không được vì một vài phần trăm tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp mà bỏ rơi học trò của mình”. Ông Ba lý giải: “Nếu trường nào cũng lựa chọn như vậy thì các em biết đi đâu. Đừng nói đến trách nhiệm với xã hội mà ngay với học trò, với phụ huynh, nhà trường đã thu tiền mà không đi cùng các em đến cuối đoạn đường là đã không làm tròn rồi”. Còn GS Tá thì khẳng định: “Tư cách là người truyền kiến thức cho HS mà làm vậy thì càng chứng tỏ sự yếu kém, bất lực của chính bản thân”.

Vì việc đẩy HS yếu ra khỏi trường hết sức “tinh vi”, chủ yếu núp dưới lý do không đủ khả năng tài chính từ phía gia đình nên Sở rất khó phát hiện để xử lý. Thế nên cấm là việc của Sở còn chuyện đẩy HS yếu kém đi vẫn là việc bình thường ở các trường. Tiến sĩ Trương Công Thanh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GD phổ thông, Viện Nghiên cứu GD (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định: “Vì thành tích, rũ bỏ trách nhiệm của mình với HS yếu kém là cách làm phản giáo dục, thể hiện sự bất lực của nhà trường. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải xóa bỏ được căn bệnh thành tích bắt đầu từ gốc”. Tiến sĩ Thanh ngậm ngùi cho biết: “Ngày xưa, thời tôi còn đi học, những HS yếu kém, các thầy cô giáo đều kêu về nhà dạy thêm mà không nhận bất cứ thù lao nào. Nhưng giờ hiếm có người thầy nào như vậy”.

Học sinh sẽ bị tổn thương

“Để đảm bảo tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường tìm cách đào thải HS yếu kém vào cuối năm lớp 11. Đến đầu năm lớp 12, sàng lọc lại lần nữa. Việc làm này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em. Đầu tiên các em nghĩ mình không ra gì, sau đó tự đánh giá thấp bản thân, sống bất cần. Hơn nữa, áp lực gia đình, sự không thông cảm của bố mẹ kèm theo trách móc… sẽ càng dễ làm các em bị tổn thương và gục ngã. Khi bị phủ nhận từ gia đình, xã hội và nhà trường thì các em rất dễ sa vào con đường phạm tội, tệ nạn. Đây có thể là gánh nặng của xã hội” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng.

Bích Thanh - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.