Dự án liên Triều
Hàn Quốc là nước nhập khẩu khí gas tự nhiên lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản, theo AFP. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp khí gas thiên nhiên lớn nhất toàn cầu nên nước này trở thành nguồn nhiên liệu cốt yếu của Hàn Quốc. Lâu nay, Hàn Quốc hầu như chỉ sử dụng đường biển để nhập khẩu khí gas từ Nga. Vì thế, hai bên cần xây dựng một tuyến đường ống để tiết giảm chi phí và dự án đi ngang qua CHDCND Triều Tiên được xem là giải pháp phù hợp. Theo đó, Nga hy vọng có thể xây dựng tuyến đường ống dài 1.100 km, trong đó có 700 km nằm trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, để cung cấp khí gas cho Hàn Quốc.
Trong cuộc gặp hồi tháng 8 tại Nga, Tổng thống nước chủ nhà Dmitry Medvedev và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đã đạt được một số thỏa thuận ban đầu về dự án trên. Trước đó, đại diện Tập đoàn Gazprom của Nga đã sang Bình Nhưỡng để bàn về hợp tác năng lượng. Nếu tuyến đường ống trên được hoàn thành, CHDCND Triều Tiên sẽ có được thu nhập đáng kể từ nguồn phí trung chuyển hằng năm mà theo ước tính của tờ Chosun Ilbo có thể vào khoảng 150 triệu USD.
|
Ngoài ra, giới quan sát đánh giá dự án trên “có thể tạo ra một cơ hội để Seoul và Bình Nhưỡng xây dựng lòng tin thông qua các cuộc thảo luận chân thành” và góp phần bảo đảm ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là điều Moscow đang kỳ vọng đối với kế hoạch này. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn đang lo ngại miền Bắc có thể sử dụng tuyến đường ống để gây áp lực khi hai bên xảy ra căng thẳng. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định nguy cơ trên sẽ không quá lớn vì tuyến đường ống còn gắn liền với quyền lợi của Nga.
Đến thời điểm này, các bên còn phải đàm phán rất nhiều để có được kết quả cuối cùng. Moscow và Bình Nhưỡng chỉ mới đạt được thỏa thuận thành lập một hội đồng đàm phán chung giữa các bên, còn Seoul chưa có câu trả lời rõ ràng. Theo Chosun Ilbo, Tổng thống Nga và Hàn Quốc có thể sẽ gặp nhau vào tháng 11 để tiếp tục thảo luận vấn đề này.
|
Mạng lưới của Trung Quốc
Với nhu cầu năng lượng khổng lồ và mục tiêu tăng ảnh hưởng trong khu vực, Trung Quốc cũng đang ra sức phát triển mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt. Theo phúc trình về quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng trước, nước này đang có hệ thống đường ống dẫn dầu công suất 400.000 thùng/ngày từ Kazakhstan đến Khu tự trị Tân Cương. Trung Quốc còn có một đường ống dẫn 40 tỉ m3 khí gas mỗi năm để kết nối nguồn cung cấp từ Turkmenistan. Ngoài ra, nước này đang xây dựng đường ống dẫn dầu 300.000 thùng/ngày từ thành phố Tomsk của Nga về tỉnh Hắc Long Giang. Chưa hết, Trung Quốc còn đang làm một đường ống dẫn dầu và một tuyến dẫn khí gas từ Myanmar về Vân Nam, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Vì mạng lưới ống dẫn có vai trò quan trọng trong hệ thống cung ứng năng lượng của Trung Quốc nên báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ảnh hưởng ở khu vực Trung Á và Đông Nam Á. Ngoài ra, Trung Quốc cần rất nhiều thời gian để hoàn thành mạng lưới đường ống trong khi nhu cầu năng lượng đối với nước này đang rất bức bách. Cho nên, các chuyên gia cho rằng song song với việc bao phủ mạng lưới ống dẫn, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở các vùng biển trong khu vực để đảm bảo cho tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng bằng đường hàng hải.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)