Chuột ăn… ớt, dầu ăn
Cứ mỗi khi trời vừa tối, chuột chạy qua lại các con đường dẫn vào những dãy phòng trọ. Và từ 22 giờ đến 3 giờ sáng là thời điểm chuột hoạt động mạnh nhất, chúng lùng sục trong phòng trọ của SV để tìm thức ăn. Đoàn Minh Tài - SV năm 2, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: “Khuya, chuột từ các ổ rác, ống cống túa ra chạy loạn xạ. Phòng trọ của mình ngày nào chuột cũng… ghé thăm. Chuột nhỏ thì men theo khe cửa từ sát mặt đất vào phòng, chuột lớn thì đột nhập từ trên mái nhà. Thức ăn tụi mình chỉ ăn trong ngày, không dám để qua đêm”.
|
Thu Thảo, quê ở Bình Thuận vào TP.HCM trọ hơn nửa tháng nhưng đã bị chuột “nhâm nhi” chân đến 2 lần. “Khuya khoảng 1-2 giờ, có cảm giác chân nhột, hơi đau, giật mình thức giấc thì thấy con chuột cắn vào chân em”, Thảo nói.
Chuột mỗi khi vào phòng, chúng không buông tha bất cứ thứ gì. “Có hôm mình đi chợ, mua hơn chục trái ớt, sáng ngủ dậy, chuột ăn không còn một trái. Đồ đạc của tụi mình bị chuột cắn thường xuyên. Những chai nhựa đựng dầu ăn, nước mắm…, chuột cũng không tha”, Lữ Thị Mai, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kể lại.
Tiếp xúc với chúng tôi, rất nhiều SV tại khu vực này tỏ rõ sự lo sợ trước tình trạng chuột hoành hành. “Có bất cứ thứ gì, muốn chuột không cắn, tụi mình cũng đều phải bỏ trong xô, rồi đậy nắp, dằn thớt…” - Mai Thị Hoa, SV trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết. Còn Phạm Thị Thùy Nga, SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kể: “2 tháng trước, khi mình vừa mắc mùng xong, không hiểu sao nhiều con chuột vẫn chui vào, cả phòng chạy tán loạn. Chuyện chuột bò ngang người vào nửa đêm cũng diễn ra thường xuyên”. Còn Phạm Thị Hà, bạn cùng phòng của Nga, cho biết: “Chúng cắn sách tan nát. Có quyển mình mua đến gần 100.000 đồng, đọc có vài trang thì chuột đã cắn nát nhừ. Mình đã bỏ hàng chục quyển sách vở, đồ đạc. Nằm ngủ mà cứ phập phồng không biết rồi chuột sẽ tấn công thứ gì trong phòng mình”.
Sống chung với chuột
Lê Phú Anh - SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trọ ở khu vực này từ khoảng đầu năm 2011 đến nay, nói: “Mình đã diệt được rất nhiều con. Tối nào tụi mình cũng tìm lấy giẻ rách, giấy báo để nhét những chỗ chuột có thể vào. Nhưng không tài nào cản nổi chúng. Mỗi khi thấy chuột, tụi mình lấy cây đập vào bàn ghế gây tiếng động để chúng bỏ đi. Có phòng, chuột trú ngụ, làm ổ đẻ con trong đó luôn”.
Chuyện tại khu nhà trọ cứ 1 - 2 giờ đêm là có cảnh la ó, bắt chuột diễn ra như cơm bữa. Các phương án bắt chuột được SV đặt ra. Ban đầu thì dùng bẫy nhưng chỉ bắt được vài con, sau chuột không ăn thức ăn trong bẫy. Dùng thuốc diệt chuột thì sợ nguy hiểm, vì khu vực đông người. Còn dùng keo dính chuột thì chỉ có thể bắt chuột nhỏ, chuột lớn thì tha cả miếng keo dính chuột đi.
Hiện đang mùa mưa nên tại các ống cống, bãi rác ở những khu nhà trọ vừa nêu, chuột ngày càng nhiều và hoạt động bạo dạn khiến SV vô cùng lo lắng.
Chuột mang nhiều mầm bệnh Chuột là loài động vật ăn tạp, địa bàn hoạt động rộng nên thường bị nhiễm rất nhiều loại vi trùng, ký sinh trùng, virus. Do đó, chuột có thể phát tán nhiều mầm bệnh cho người, như: bệnh viêm màng não (do giun Angiostrongylus cantonensis gây ra), bệnh dịch hạch (do vi trùng Yersinia pestis gây ra). Chuột cũng là nguồn chứa vi trùng, có thể truyền cho người gây nên nhiều vụ dịch hạch, từng làm chết hàng triệu người trên toàn thế giới. Ngoài ra, chuột cũng có thể gây ra các bệnh do virus, hay gặp nhất là Hantan virus, chúng gây ra: sốt, xuất huyết, suy gan, suy thận cấp tính và tỷ lệ tử vong rất cao. Chuột cũng như tất cả các loài động vật hoang dã khác, ngoài gây nhiễm trùng vết cắn tại chỗ, còn có nguy cơ gây bệnh uốn ván và bệnh dại. Tuy nhiên, chỉ nên chích ngừa uốn ván, vì hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị bệnh dại sau khi bị chuột cắn. Khi bị chuột cắn, việc đầu tiên là phải rửa sạch vết thương, sát trùng bằng cồn iode, sau đó đến các cơ sở y tế để chích ngừa uốn ván, hoặc nếu vết cắn rộng, nên đến ngay cơ sở y tế để được xử trí vết thương, cầm máu và chích ngừa uốn ván. TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu |
Minh Luân - Sỹ Bình
Bình luận (0)