Nghêu sinh sống tự nhiên ở những vùng bãi biển ngập mặn, và từ xưa đã là nguồn lợi cho người dân khai thác. Nhưng nếu ngày xưa, người ta khai thác nghêu không theo kiểu “tận thu tận diệt” mà còn chừa nhiều “cửa” cho nghêu sinh sôi nảy nở, đặng mùa sau năm sau lại có nghêu mà khai thác, thì bây giờ theo tâm lý chụp giật, người ta khai thác nghêu cứ theo kiểu “hốt được bao nhiêu thì hốt, không người khác hốt mất”, một kiểu khai thác vừa ích kỷ vừa phá hoại môi trường.
Những hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu ở Đất Mũi được thành lập và hoạt động hợp pháp, có đầu tư nghêu giống, biết khoanh vùng để nuôi nghêu và khai thác, đó là việc làm tốt. Thế nhưng, ngay trong việc vận hành những HTX này vẫn có những vấn đề, cũng như có chuyện người nhà của một số quan chức cấp xã và huyện ở đây bán nghêu giống từ HTX thu lợi riêng quá cao khiến nhiều người dân cảm thấy bức xúc và… cướp nghêu, cũng là chuyện có thật. Một khi HTX điều hành thiếu minh bạch, để một số cá nhân lấy danh nghĩa “người nhà” của quan chức địa phương thao túng nhằm thu lợi riêng, thì đó chính là cơ hội, là cái cớ cho những hành động “cướp nghêu” trái pháp luật và gây tác hại tới những người lao động lương thiện khác.
Dĩ nhiên, không ai tán thành những hành xử manh động kiểu “cướp giật” như thế, và chính quyền phải nghiêm khắc ngăn chặn và xử lý, để trật tự xã hội được tôn trọng, và sự an toàn cũng như tài sản của người dân được bảo vệ. Nhưng chính quyền nếu muốn xử đúng người đúng việc, thì trước hết phải làm gương, phải công tâm và trong sáng, đừng vì chút lợi riêng mà “nhúng tay” vào những hoạt động nuôi trồng và kinh doanh bình thường của các HTX.
Mặt khác, nếu các HTX không thu hút được dân địa phương tham gia với số lượng lớn, mà lại được “ưu tiên” chiếm những diện tích nuôi thả nghêu lớn, làm thiệt hại đến việc mưu sinh của những người dân bình thường lâu nay vẫn sống nhờ vào việc cào xúc nghêu tự nhiên, thì tất mâu thuẫn sẽ xảy ra. Không hài hòa được lợi ích giữa tập thể và cá nhân, không minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh tế thì cũng sẽ dẫn tới những mâu thuẫn. Một khi mâu thuẫn đã xảy ra, thậm chí dẫn tới những hành động cướp giật trái pháp luật, thì biện pháp giải quyết phải bắt đầu từ gốc, phải làm sao lợi ích mọi người dân ở bãi nghêu được tôn trọng một cách bình đẳng, và hoạt động của các HTX nuôi trồng và khai thác nghêu không mâu thuẫn với những lợi ích của những người dân chưa tham gia HTX, tốt nhất là cùng có lợi, “cùng thắng”.
Những hoạt động bất hợp pháp như cướp giật phải được ngăn chặn kịp thời, nhưng cái gốc của vấn đề của những mâu thuẫn phải được giải quyết triệt để, thì chuyện cướp giật mới không có cớ tiếp diễn.
Thanh Thảo
Bình luận (0)