Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (số 285 phố Trung Kính, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) những ngày đầu tháng 9 lúc nào cũng tấp nập dù không phải là phiên giao dịch. Người ra vào là công nhân công ty Cổ phần may Hà Nội (Hanosimex) đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Do có tới 1.000 lao động của công ty này đăng thất nghiệp, nên trung tâm phải chia lịch tiếp từ ngày 5-9.9 nhưng vì muốn làm thủ tục sớm nên hàng trăm lao động xếp hàng chờ đợi. Có ngày, trung tâm phải bố trí phòng họp để người lao động làm thủ tục.
Chị Lê Thị Oanh (công nhân nhà máy 1), có 10 năm làm việc cho Hanosimex bộc bạch: “Theo chủ trương của thành phố, nhà máy dời ra ngoại thành để đảm bảo vệ sinh môi trường. Chúng tôi có tuổi, lại vướng bận gia đình không thể đi theo nên đành xin chấm dứt hợp đồng. Trong lúc chưa tìm được việc làm, tôi nộp hồ sơ xin đăng ký hưởng BHTN”.
|
Nghe thông báo, trong vòng 7 ngày, kể từ khi nhận quyết định thôi việc, các lao động phải đến đăng ký thất nghiệp. Lo thủ tục mất nhiều thời gian nên mọi người rủ nhau đi sớm, nhưng chưa đến ngày hẹn nên nhiều người đành ra về. Anh Ngô Quốc Trịnh, công nhân nhà máy sợi ngậm ngùi: “Tiền bảo hiểm thì hàng tháng công ty cứ việc khấu trừ vào lương. Vậy mà, lúc thất nghiệp, đến xin hưởng trợ cấp lại khó thế. Nhiều anh chị em quê tận Thanh Hóa, Nghệ An hay tin cũng phải lặn lội ra trước cả tuần lễ, chẳng biết nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp, tàu xe đi về cũng mất vài trăm nghìn. Giá như được phổ biến thời gian, thủ tục thì chúng tôi đỡ mất thời gian, công sức”.
Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, chưa bao giờ xảy ra tình trạng quá tải làm thủ tục BHTN như thời gian gần đây. Lượng người xin trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến, trong khi cán bộ chuyên trách làm BHTN chỉ có 40 người nên thường xuyên quá tải. Cao điểm có những ngày có khoảng 800 - 1.000 người đến trình báo tình trạng việc làm. Cán bộ trung tâm luôn phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 18 giờ tối và hầu như không nghỉ thứ 7, chủ nhật.
Tính đến hết 30.6, số người đăng ký thất nghiệp là 6.482 người, tăng gấp rưỡi so với cả năm 2010. Trong đó, 5.470 người được hưởng trợ cấp với tổng số tiền 27,5 tỷ đồng. Theo ông Chính, có nhiều nguyên nhân khiến người đăng ký hưởng BHTN tại Hà Nội tăng vọt so với năm ngoái. Ngoài tác động của khủng hoảng kinh tế, lạm phát khiến doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, việc chuyển các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành và các tỉnh lân cận khiến hàng nghìn lao động phải xin chấm dứt hợp đồng. Một số người lao động chưa nắm được chính sách, dù không đóng bảo hiểm thường xuyên nhưng khi mất việc cũng đến đăng ký .
Ông Vũ Trung Chính dự báo, từ nay đến cuối năm, lượng người đăng ký sẽ tăng. Ngoài 2.000 người của Hanosimex đăng, còn có hơn 100 hồ sơ của công ty Cơ khí Hà Nội và rất nhiều công nhân các khu công nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng phòng BHTN (Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội), người thất nghiệp được hưởng BHTN khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Khi đi làm thủ tục người lao động cần mang theo đơn đề nghị hưởng chế độ BHTN; bản sao hợp đồng lao động, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chứng minh thư photo; xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp. Bà Loan còn cho hay, người thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm mới sẽ được Trung tâm tư vấn, giới thiệc việc làm tại các phiên giao dịch. Nếu muốn học nghề, sẽ được hưởng mức hỗ trợ học nghề ngắn hạn và thời gian được hỗ trợ học nghề không quá 6 tháng.
Hải Bình
Bình luận (0)