GS Châu giải thích: “Theo đuổi đam mê nghiên cứu toán học hoàn toàn khác với việc học toán để đi thi, bởi khi làm nghiên cứu một bài toán có thể giải cả đời, còn đi thi thì bài toán chỉ giải trong một vài giờ đồng hồ. Do vậy, theo quan điểm của tôi, để học giỏi toán cần phải học liên tục không ngừng nghỉ, chứ không phải cách học thật nhanh”.
|
GS Châu ví von: “Người ta thường ví cách làm toán như việc mở một hạt dẻ. Một là mở thật nhanh bằng cách dùng búa để gõ nát hạt dẻ ra, cách thứ hai phải chờ nước biển dâng lên hạt dẻ sẽ mở ra. Tôi chọn cách lâu hơn là chờ khi nước biển dâng lên”. Bằng kinh nghiệm của một người đi trước, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ với sinh viên về cách vượt qua thách thức của bản thân: “Thách thức lớn nhất mà tôi từng trải qua chính là tiếp xúc với nền toán học hiện đại, đặc biệt là trong giai đoạn làm luận án tiến sĩ tại Pháp. Tôi đã từng phải đối mặt với hiện thực nghiệt ngã là làm được hoặc không làm được. Trong khi thời gian làm luận án chỉ từ 3 - 4 năm mà đã qua 3,5 năm mà tôi chưa tìm ra kết quả. Dù vậy tôi vẫn cứ phải tiếp tục. Và một ngày đẹp trời tôi đã tìm ra cách giải quyết. Từ đó tôi mới nhận ra, trong quá trình thất bại có mầm mống của sự thành công và đừng bao giờ hết hy vọng”.
Để học tốt môn toán cũng cần có phương pháp đọc tài liệu đúng. GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Đọc tài liệu nghiên cứu khác với cách đọc để ôn thi. Để hiệu quả, trước khi đọc phải có trong đầu một câu hỏi. Từ câu hỏi đó, tìm ra sách phù hợp để đọc và trả lời câu hỏi đó”.
Hà Ánh
Bình luận (0)