Nga ngừng sản xuất tên lửa S-300

11/09/2011 09:22 GMT+7

(TNTS) Nga bắt đầu dừng sản xuất hệ thống tên lửa tầm trung S-300. Thông tin này được cựu tổng giám đốc tập đoàn sản xuất tên lửa Almaz-Antey, ông Igor Amurbeyli khẳng định.

Ông Igor Amurbeyli cho biết việc Nga duy trì sản xuất S-300 trong những năm gần đây là nhờ vào đơn đặt hàng của nước ngoài. Hiện chưa rõ Almaz-Antey sẽ làm gì trong giai đoạn hiện nay, bởi tập đoàn này chưa tiếp nhận đơn đặt hàng loại tên lửa S-400.

Những người không am tường về vũ khí tên lửa có vẻ sốc trước thông tin mới này. Chẳng thế mà một số tờ báo Nga loan báo rằng: "Từ nay Moscow sẽ không được bảo vệ trước tên lửa hay bom của đối phương". Hay "Vũ khí khí tài cũ đã già nua, còn loại mới lại chưa trang bị cho quân đội"… Một số báo chỉ trích Igor Amurbeyli làm lộ "bí mật quốc gia", hay nếu Nga không chuẩn bị hệ thống S-500 thì trên lãnh thổ Nga sẽ xuất hiện hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ…

 
Hệ thống tên lửa S-400 - Ảnh: vpk-news.ru

Thực ra thì chuyện không có gì đáng để ầm ĩ. Hệ thống tên lửa S-300 cuối cùng được sản xuất cho quân đội Nga là vào năm 1994. Từ đó đến nay, hệ thống tên lửa S-300 chỉ sản xuất để xuất khẩu và giờ đây tuy có đơn đặt hàng từ nước ngoài nhưng Nga đã quyết định ngừng hẳn việc sản xuất loại tên lửa này. Quyết định này là hoàn toàn hợp lý, bởi loại S-300 ra đời cách nay hàng chục năm, từ đó đến nay đã có nhiều loại tên lửa mới ra đời, hiện đại hơn, đáp ứng với nhu cầu mới của quân đội. Lgor Amurbeyli cho biết thêm, cách đây không lâu Nga xuất lô hàng S-300 cuối cùng cho một nước và đây là dấu chấm hết của hệ thống tên lửa tầm trung đó. Ông Amurbeyli không cho biết cụ thể nước nào là nơi nhận lô hàng vừa nêu.

Hệ thống tên lửa tầm trung S-300 được thiết kế với nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở công nghiệp, các trung tâm hành chính, căn cứ quân sự và các bộ chỉ huy quân sự khỏi sự tấn công của tên lửa đạn đạo, máy bay trực thăng, các loại máy bay không người lái cùng các loại máy bay khác của đối phương. Hệ thống S-300 có tầm bắn từ 5 km - 150 km. Loại tên lửa này có thể đạt trần bay là 27.000m. Tùy vào tính năng cải tiến của từng loại, S-300 có thể hạ gục mục tiêu bay với vận tốc từ 1,3 đến 2,8 nghìn mét/giây. Khả năng phát hiện mục tiêu trên không của S-300 là từ 120 km đến 300 km.

 
Hệ thống tên lửa S-300 - Ảnh: nukesofhazardblog.com

Hiện tại, ngoài Nga, còn có 18 nước khác sở hữu hệ thống S-300. Trong số này có Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Hy Lạp, Syria, Croatia… Hiện quân đội Nga có 1.900 hệ thống S-300PMU (dành cho lực lượng không quân), 200 hệ thống S-300V (lực lượng phòng không), ngoài ra còn một số hệ thống S-300F dành cho lực lượng hải quân.

Vào cuối năm 2010, Nga và Kazakhstan đã thỏa thuận cung cấp miễn phí cho nước cộng hòa Trung Á này một số hệ thống S-300 bởi không lực Kazakhstan đã đồng ý sẽ bảo vệ không phận chạy dọc theo biên giới của Nga với nước họ. Chưa hết, Kazakhstan còn tham gia thành lập hệ thống tên lửa phòng thủ chung của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) được triển khai từ năm 2007. Vì thế có thể đoán định lô hàng S-300 cuối cùng mà ông Igor Amurbeyli đề cập ở trên, nhiều khả năng là cung cấp cho Kazakhstan.

Thực tế Nga có thể kéo dài việc sản xuất S-300 thêm vài năm nữa. Bởi vào cuối năm 2007, Nga ký với Iran hợp đồng cung cấp nhiều hệ thống S-300PMU-1 có tổng trị giá là 800 triệu USD. Việc thực hiện hợp đồng bị kéo dài do các nguyên nhân kỹ thuật. Đến tháng 6.2010, Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm vận đối với Tehran, cấm cung cấp tất cả các loại vũ khí cho Iran.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ cuối năm 2011 đến năm 2012, Nga có thể ký hợp đồng cung cấp hệ thống S-300 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Thổ  Nhĩ Kỳ từ năm 2009 đã tiến hành đấu thầu để mua hệ thống tên lửa đất đối không và Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga - Rosoboronexport - đã lấy S-300 tham gia cuộc đấu thầu này. Đối thủ cạnh tranh với tên lửa Nga trong cuộc  đấu thầu này là hai hãng của Mỹ Raytheon và Lockheed Martin với hệ thống tên lửa PAC-3 Patriot, hãng SRMIES của Trung Quốc với hệ thống HQ-9 (nhái mẫu S-300) và Tập đoàn Eurosam của châu u với hệ thống SAMP/T Aster 30.  

Trong tương lai gần, Nga sẽ thay thế tất cả hệ thống S-300 bằng hệ thống S-400 Triumf và S-400 Vityaz. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, là làm thế nào để tận dụng công suất sản xuất khổng lồ của Tập đoàn Almaz-Antey. "Chúng ta ngừng sản xuất S-300, trong khi chưa bắt đầu tiếp nhận đơn đặt hàng loại S-400", ông Igor Amurbeyli nói.

Hiện Almaz-Antey chưa có đơn đặt hàng xuất khẩu hệ thống tên lửa S-400 nào, nhưng đã có vài quốc gia quan tâm đến hệ thống tên lửa mới như Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út. Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa vội vàng mua hệ thống S-400. Hiện trong lực lượng phòng  không của không lực Nga mới chỉ có 2 trung đoàn S-400 (mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn với 32 bệ phóng). Ngoài ra, chương trình quốc phòng Nga trong năm 2011 - 2012 sẽ xem xét để mua thêm 56 trung đoàn S-400.  

Quân đội Nga hiện đang cải cách để hợp nhất hệ thống phòng không và hệ thống tên lửa phòng thủ làm một. Trong hệ thống mới này sẽ có S-300, S-400 và S-500. Tuy thế, từ nay đến 2015 hệ thống S-300 sẽ dần dần được thay thế bằng hệ thống S-400. Còn từ năm 2015 quân đội Nga bắt đầu tiếp nhận hệ thống S-500. 

Tựu trung, tập đoàn sản xuất tên lửa Almaz-Antey cho rằng, S-300 đã không còn hợp thời. Điều này là hợp lý. Được sản xuất từ năm 1978, từ đó đến nay trong điều kiện các tiến bộ khoa học kỹ thuật thay đổi không ngừng, nền quốc phòng vì thế cũng cần các loại vũ khí mới với tính năng ưu việt hơn. Cần nói thêm rằng, hệ thống S-300 không phải loại vũ khí duy nhất Nga ngừng sản xuất trong năm 2011. Hãng Mig dự kiến trong thời gian tới đây sẽ ngừng hoàn toàn việc sản xuất loại máy bay tiêm kích Mig-29 "cổ điển" và chỉ cung cấp vài loại cải tiến cho các nước đã đặt hàng.

Ngữ Tử Yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.