Thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện

08/09/2011 00:36 GMT+7

Theo phương án mới nhất, Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) dự kiến sẽ thu qua đầu phương tiện.

 

Cần bóc tách phí bảo trì ra khỏi phí thu qua trạm BOT - Ảnh: Ngọc Thắng

Được biết, tại cuộc họp sáng 6.9 của Bộ GTVT với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về Đề án Quỹ BTĐB, các bộ thống nhất chọn phương án thu trực tiếp qua đầu phương tiện thay vì thu qua xăng dầu và theo đầu ô tô như phương án cũ. Theo đó, ba bộ thống nhất đưa ra hai phương án dự kiến trình Chính phủ, nghiêng về phương án 1 là thu chủ yếu qua đầu phương tiện, gồm cả ô tô và xe máy, cộng với ngân sách nhà nước cấp bù cho đủ nhu cầu. Các trạm thu phí nộp ngân sách sẽ được giải thể, các trạm đã bán quyền thu phí hoạt động lâu nhất đến năm 2015, và giữ lại các trạm thu phí BOT theo hướng chuyển giao dần.

Phương án hai, quỹ hình thành từ ba nguồn thu chủ yếu: qua đầu phương tiện với ô tô, thu qua phí xăng và ngân sách cấp bù thêm cho đủ nhu cầu. Các nguồn thu sẽ được huy động theo lộ trình, trong đó năm đầu đáp ứng 70% nhu cầu sửa chữa đường bộ, tổng nguồn thu đạt được cao nhất đáp ứng toàn bộ nhu cầu sau 5 năm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, thu phí qua đầu phương tiện cần tính toán chính xác. Ông Hùng cho rằng mức thu dự kiến trước đây của Bộ GTVT đề xuất với ô tô sử dụng dầu diezel cao gấp 1,5 lần ô tô sử dụng xăng là không hợp lý, thay vào đó cần thu theo số km sử dụng. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, dù lâu dài phải có hình thức gắn thiết bị thu phí theo km lăn bánh. Nhưng hiện nay chưa có điều kiện triển khai ngay việc gắn thiết bị, nên trước mắt vẫn áp dụng thu theo tháng.

Cũng theo ông Hùng, về thực chất hiện nay người dân vẫn đang phải đóng phí đường bộ trong giá xăng dầu (1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu), nên vẫn phải gánh cả ba loại phí: phí xăng dầu, phí theo đầu phương tiện, phí qua trạm BOT.

Bóc tách phí qua trạm BOT

Theo phương án thu phí qua đầu phương tiện, các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước và trạm thu để trả nợ vay (19 trạm) sẽ được xóa bỏ ngay, ngoài ra sẽ xóa bỏ 6 trạm đã bán quyền thu phí khi hết hợp đồng. Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Quyền cho biết với khoảng 30 trạm thu phí BOT còn lại vẫn tiếp tục thu phí với chủ trương cho nhà thầu hoàn vốn và thu cả phí cho bảo trì đường/cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng giữ trạm thu phí BOT là hợp lý để nhà đầu tư hoàn vốn, nhưng người dân đã đóng tiền BTĐB rồi, không lý gì qua trạm BOT lại bị thu thêm một lần BTĐB nữa. Không nên để nhà thầu thu cả phần bảo trì, Quỹ BTĐB nên chịu trách nhiệm duy nhất với khoản thu này.

Đại diện các bộ ngành tại cuộc họp cũng cho rằng Bộ GTVT cần làm rõ các căn cứ để tính toán nhu cầu vốn cho công tác sửa chữa đường bộ, trong đó xem xét lại định mức sửa chữa đường bộ, xác định rõ hiện vốn ngân sách đáp ứng đến mức độ nào, huy động đóng góp của người dân tham gia giao thông đến mức độ nào. Đặc biệt, mức thu phí cũng phải theo lộ trình, không thể từ mức thu qua trạm khá thấp sang mức thu quá cao, sẽ gây xáo trộn lớn.

Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải TP.HCM, phải công khai khoản tiền thu lâu nay của phí xăng dầu trong giá xăng dầu bán lẻ cho người dân (thực chất là phí giao thông qua xăng dầu), làm rõ khoản thu này Bộ Tài chính giao lại cho Bộ GTVT đã được sử dụng như thế nào. Nếu tính cho đúng, khoản thu này lớn hơn nhiều so với mục tiêu 12.000 tỉ đồng để BTĐB mà Bộ GTVT đặt ra.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.