Xóa nghèo từ cây chuối

08/09/2011 08:13 GMT+7

Trước khi vào vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) lập nghiệp, họ là cư dân “3 không”: không đất sản xuất, không vốn, không chỗ ở ổn định. Thế rồi chỉ sau mấy năm trồng chuối, họ đã thoát nghèo và đang khá dần lên.

Lúc mới vào đây lập nghiệp, họ đã thử trồng đủ loại cây trên 4 ha đất được cấp. Nhưng do đất bị nhiễm phèn, nên trồng lúa thì lúa chết, nuôi cá thì cá toi. Thử đầu tư trồng khóm lại gặp lúc khóm rớt giá thê thảm; trồng mía thì mía dội hàng, bán không ai mua. Do vậy, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, thiếu đói.

Trồng chơi, ăn thiệt

Buồn tình, một số người cứ mang chuối ra trồng đại trên bờ kênh vì trồng chuối không cần vốn đầu tư, không mất công chăm sóc và trái thì…ăn đỡ đói cũng được! Ông Nguyễn Hoàng Khởi, Phó bí thư Đảng ủy xã An Minh Bắc (H.U Minh Thượng), cho biết trên địa bàn hiện có 344 ha đất trồng chuối tập trung trên vuông bao nông hộ ở các ấp An Hòa, Kinh Năm, Trung Đoàn và Minh Trung. “Lúc đầu, bà con trồng chuối cũng chỉ tính lấy trái bán phụ thêm tiền mua gạo lúc lúa giáp hạt, nhưng về sau thật sự đã giúp họ thoát nghèo. Bởi trồng chuối không phải tốn tiền phân bón, thuốc trừ sâu, không tốn công chăm sóc nhưng tháng nào cũng cho thu nhập; trong khi trồng những cây khác đầu tư lớn lại thu hoạch theo mùa vụ, lỡ thất coi như trắng tay”, ông Khởi nói.

 
Thương lái đến tận nhà vườn mua chuối - Ảnh: Hồng Cúc 

Bà con vùng đệm U Minh Thượng cho biết, từ lúc trồng cây con đến khi bán trái khoảng 1 năm. Tuy nhiên, trước đó người trồng chuối đã có thu nhập từ việc bán bắp, lá, tay chuối. Hiện thương lái từ TP Rạch Giá tới tận nơi mua bắp chuối với giá từ 700-1.500đ/bắp (tùy loại lớn nhỏ); lá chuối (dùng để gói bánh) giá từ 2.000-3.000đ/kg; tay chuối (đã lấy lá) thì họ mua làm dây; sau khi thu hoạch chuối bán trái còn bán được thân cây  cho người ta tách bẹ làm dây hoặc xắt trộn cám cho heo, cá ăn. Tính ra, trung bình mỗi cây chuối cho thu nhập khoảng 30-40 ngàn đồng và mỗi hộ trồng chuối có thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Tìm đầu ra ổn định

Anh Lý Văn Tình (ngụ ấp Kinh Năm, xã An Minh Bắc) trồng gần 1.000 bụi chuối trên bờ bao 1 ha đất của mình. Chỉ sau vài năm, gia đình anh chẳng những thoát khỏi cảnh thiếu gạo ăn mà còn sắm được xuồng máy để đi lại và  ti vi để coi nữa. Trong khi đó, gia đình ông Lê Hoàng Thủ ở ấp cạnh bên do diện tích đất rộng hơn nên có thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Hai anh em Huỳnh Văn Mung và Huỳnh Văn Nghĩa (cũng ở xã An Minh Bắc) được mọi người gọi là “vua chuối” do có gần 6 ha bờ bao trồng chuối, thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu đồng. “Chúng tôi dự tính sẽ làm lối đi vào “thế giới chuối” để tiện việc chăm sóc, thu hoạch, đồng thời khi có điều kiện sẽ mở điểm du lịch “vườn chuối” để đón khách đến tham quan”, ông Mung nói.

Đang loay hoay chặt mấy buồng chuối, ông Nguyễn Văn Chinh (ấp Minh Thượng A) cười tươi nói rằng nếu không nhờ cây chuối, gia đình ông không biết phải sống ra sao, sau mấy vụ tôm thất bát. Niềm vui của ông chủ vườn chuối khiến anh lái chuối Trần Thế Dũng (ngụ Kinh 14, xã Vĩnh Thuận, H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) cũng vui lây. Anh Dũng cho biết anh làm “lái chuối” được 3 năm nay, cứ thu hoạch xong mấy công ruộng là xuống ghe đi mua chuối. “Mỗi chuyến mua đầy ghe chuối, trong vòng 1 tuần lễ lời cũng được vài trăm ngàn. Nhờ bà con trong vùng đệm U Minh Thượng trồng chuối mà gia đình tôi cũng được “ăn theo” thoát nghèo”, anh Dũng nói.

Ông Ngô Công Tước, Phó chủ tịch thường trực H.U Minh Thượng, nói: “Thời gian qua, bà con trồng chuối trong vùng đệm chủ yếu là tự phát,  tới đây huyện sẽ quy hoạch lại. Hiện chúng tôi cũng đang tìm hướng liên kết với một số tỉnh, thành để lo đầu ra, nhằm giúp cho cây chuối phát triển bền vững; người trồng chuối không chỉ được xóa nghèo mà sẽ khá, giàu lên”.

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.