Trẻ rối loạn thách thức chống đối

09/09/2011 15:55 GMT+7

(TNO) Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn Tâm lý học thần kinh, ĐH KHXHNV TP.HCM, khoảng 5 - 15% trẻ em ở độ tuổi đi học được chẩn đoán là có rối loạn thách thức chống đối.

Ở trước tuổi dậy thì, hành vi thách thức và chống đối thường gặp ở trẻ nam hơn trẻ nữ. Ở tuổi dậy thì, trẻ nam và trẻ nữ có hành vi thách thức và chống đối ngang bằng nhau.

Đằng sau những gây rối công khai của trẻ có thách thức chống đối là những cảm nhận phi đạo đức, oán trách, tự nghi ngờ bản thân, căm ghét. Hầu hết những trẻ này luôn luôn cảm thấy mình ít được hiểu.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 11.9 tại Nhà thiếu nhi thành phố (Q.3, TP.HCM), bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang sẽ có buổi nói chuyện về vấn đề này.

Tất cả trẻ em đều có thể có hành vi tiêu cực trong khi tự khẳng định mình, nhưng những hành vi như: khiêu khích công khai, không hợp tác và hành vi thù hằn trở thành một vấn đề quan tâm nhiều khi nó là những biểu hiện liên tục thường xuyên hơn so với hành vi của trẻ khác ở cùng lứa tuổi và cùng mức phát triển, khi nó ngăn cản kiểu phát triển bình thường trong các lĩnh vực chính yếu trong đời sống của trẻ.

Các triệu chứng như là những cơn nổi giận, tranh cãi quá mức với người lớn, chống đối chủ động với những yêu cầu và luật lệ, cố gắng có chủ ý làm phiền lòng hay gây tức giận cho người khác, đổ lỗi cho người khác, khó chịu và dễ bị phiền lòng do người khác, biểu hiện giận dữ và oán trách là những đặc tính thường gặp của vấn đề này.

Vì vậy, việc điều trị là tập trung vào cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ bằng cách giúp cha mẹ chú ý đến hành vi của trẻ, tương tác với trẻ theo cách ấm áp và không xâm lấn.

Cha mẹ nên có thời gian với trẻ và quan tâm trọn vẹn đến cảm xúc của trẻ, tìm hiểu những điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng của trẻ để giúp trẻ phát triển tối ưu nhất theo khả năng của chính trẻ. Không nên áp đặt và mong đợi quá mức hay phê bình chỉ trích khi trẻ không thành công, điều này làm cho trẻ ấm ức, tự ti, mặc cảm, và có thể góp phần vào việc gia tăng sự chống đối ở trẻ.

Tiến Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.