Từ bao đời nay, đối với ngư dân Quảng Ngãi mà đặc biệt là Lý Sơn, vùng biển quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, là nơi mưu sinh quen thuộc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mỗi khi đưa tàu ra khơi, họ luôn phập phồng lo lắng bởi liên tục bị thiên tai và “nhân tai” đe dọa. Nhiều tàu cá, ngư cụ - phương tiện mưu sinh duy nhất bị tàu lạ tịch thu, bị giông tố nhấn chìm dưới biển sâu khiến chủ tàu trở về trong cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Nhiều ngư dân - trụ cột của gia đình vĩnh viễn nằm lại nơi Hoàng Sa nên bao lo toan cơm áo thường ngày đang đè nặng lên đôi vai gầy của những người vợ góa, những đứa trẻ mất cha.
Trắng tay
Đằng sau bà con ngư dân còn có Đảng, chính quyền và hàng triệu triệu người dân Việt Nam. Vì thế, ngư dân phải tự tin bám biển, làm giàu từ biển, góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông |
||
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh Quảng Ngãi |
||
Hơn 1 năm qua kể từ khi chồng là Nguyễn Văn Thọ bị mất tích cùng chiếc tàu cá QNg-96354TS công suất 120CV, trị giá hơn 1,2 tỉ đồng của gia đình bị bão tố nhấn chìm tại khu vực đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa), bà Dương Thị Thương (42 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn) ngày ngày vẫn đau đáu hướng về biển xa. Bà nghẹn ngào: “Đi trên tàu có 11 người thì 10 người được tàu nước ngoài cứu vớt đưa về Hồng Kông, sau đó được đoàn tụ với gia đình. Còn chồng tui thì mất tích, thân xác nằm lại giữa biển khơi. Nấm mộ trên đảo chỉ là mộ gió”.
Cuộc sống khốn khó trăm bề nên bà Thương ngày ngày sớm hôm tần tảo với 2 sào ruộng tỏi, hành, làm thuê đủ nghề và vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho 3 con là Nguyễn Thị Thảo (sinh viên năm thứ 2 ĐH Quy Nhơn), Nguyễn Thành Nguyên (lớp 9) và Nguyễn Thị Mỹ Thuận (lớp 3) ăn học. Mấy tháng nay, sức khỏe suy giảm, bệnh khớp tiến triển ngày càng nặng nhưng bà Thương vẫn cắn răng chịu đựng. “Bọn trẻ đã mồ côi cha mà còn phải thất học nữa thì tội nghiệp lắm”, bà Thương bộc bạch.
Cũng như gia đình bà Thương, gần 1 năm qua từ lúc chồng là thuyền trưởng Lê Minh Tân cùng tàu cá QNg-66192TS của gia đình nằm lại khơi xa, gia đình bà Ngô Thị Việt (ở thôn Đông, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn) sống trong nỗi đau tột cùng, gia đình rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần.
|
Tham dự buổi lễ có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; anh Phan Văn Mãi - Bí thư T.Ư Đoàn; ông Phạm Minh Toản - Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi; ông Nguyễn Quang Thông - Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; ông Lê Hồng Sơn - Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn HDBank; lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cùng lãnh đạo huyện Lý Sơn. |
Không chỉ thiên tai mà “nhân tai” trên biển Hoàng Sa cũng đã làm cho nhiều ngư dân ngậm ngùi giã từ biển khơi hoặc đi bạn với các tàu khác kiếm sống. Ngư dân trẻ Nguyễn Chí Thạnh (27 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn) sau khi lập gia đình, năm 2008 vợ chồng gom góp số tiền dành dụm được, vay mượn thêm người thân mua tàu cá QNg-6517TS, công suất 80CV, trị giá 350 triệu đồng để bám biển xa nhưng nào ngờ ra khơi được 5-6 chuyến thì đến tháng 6.2009, trong lúc đang hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa đã bị lực lượng nước ngoài lấy mất tàu, 12 ngư dân bị giam giữ gần 2 tháng mới cho về. Gia sản mất sạch, khát khao làm giàu trên biển của thuyền trưởng Thạnh cũng tiêu tan. “Vợ chồng tui trắng tay, phải “ăn nhờ, ở đậu”, giờ phải đi bạn kiếm sống qua ngày. Biết bao giờ mới có đủ mấy trăm triệu đồng sắm lại tàu mới mà ra khơi”, thuyền trưởng Thạnh thở dài.
Hay như trường hợp của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn), thuyền trưởng Tiêu Viết Là (ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn) trong vòng chưa đầy 5 năm, đã 4 lần bị tàu nước ngoài tấn công bắt giữ, tịch thu tàu đã rơi vào cảnh tán gia, bại sản, nợ nần chồng chất. Riêng thuyền trưởng Là, sau nhiều lần bị những trận đòn nhừ tử giờ lại bị bệnh tim nên chỉ biết ngồi nhà nhìn ra biển.
Sẻ chia khó khăn
Tại buổi lễ, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông Phan Văn Mãi, Bí thư T.Ư Đoàn; ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên và ông Lê Hồng Sơn - Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn HDBank đã trao tiền hỗ trợ cho 8 ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngư dân được hỗ trợ 40 triệu đồng.
|
Đêm hội trung thu trên đảo Lý Sơn Đêm 9.9, tại huyện đảo Lý Sơn, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi phối hợp cùng UBND H.Lý Sơn tổ chức đêm hội “Vòng tay nhân ái - vui Tết Trung thu”. 500 cháu có hoàn cảnh khó khăn đã cùng ca hát, xem múa lân, phá cỗ trung thu và được Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn TP.HCM tặng quà (mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng). Tại đêm trung thu, anh Phan Văn Mãi - Bí thư T.Ư Đoàn cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao tặng 30 suất học bổng Vừ A Dính (500 ngàn đồng/suất) cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Tự tin bám biển
Ông Nguyễn Quang Thông đã báo cáo những hoạt động cụ thể thời gian qua và trong thời gian sắp tới nhằm trợ giúp bà con ngư dân và nhất là ngư dân trẻ ở các tỉnh duyên hải miền Trung. “Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng với sự trợ lực của hệ thống Đoàn, Hội các cấp, những chính sách cụ thể, những hoạt động hỗ trợ chia sẻ sẽ ngày càng phong phú, hiệu quả hơn, giúp bà con ngư dân nói chung cùng thanh niên ngư dân yên tâm giữ nghề, bám biển”, ông Thông bày tỏ.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn HDBank cho rằng với tình cảm và trách nhiệm của mình, HDBank mong muốn được đồng hành cùng bà con ngư dân để có điều kiện chăm lo cuộc sống, tiếp tục ra khơi, khai thác ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ trao tiền hỗ trợ, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao chương trình Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi do Báo Thanh Niên phát động. Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa, không chỉ góp phần hỗ trợ vật chất mà còn tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, động lực tinh thần to lớn cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng và ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung yên tâm ra khơi. Tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân và có những cơ chế chính sách thật sự hiệu quả trong việc phát triển kinh tế biển. “Đằng sau bà con ngư dân còn có Đảng, chính quyền và hàng triệu triệu người dân Việt Nam. Vì thế, ngư dân phải tự tin bám biển, làm giàu từ biển, góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Tại lễ trao tiền hỗ trợ cho ngư dân, Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty dược phẩm Roussel Việt Nam và Eximbank Quảng Ngãi trao tặng 30 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (2 triệu đồng/suất) cho 30 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở Lý Sơn; Công ty in Bình Định gửi tặng 1.000 quyển tập cho học sinh trường Tiểu học số 2 xã An Vĩnh. Ngoài ra, Báo Thanh Niên còn tặng 1 dàn âm thanh trị giá 50 triệu đồng cho trường THCS xã An Hải và 8,1 triệu đồng của bạn đọc hỗ trợ em Lê Thị Thanh Thanh. Dịp này, Eximbank Quảng Ngãi cũng đã tặng cho thuyền trưởng Mai Phụng Lưu số tiền 10 triệu đồng. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)