Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ

10/09/2011 00:11 GMT+7

Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhận nhiệm vụ Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 9.9, ông David B.Shear cho biết: Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với VN sẽ tiếp tục là những ưu tiên của ông.

Đại sứ David B.Shear cho biết, trong chuyến thăm VN hồi tháng 10.2010, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã đề xuất thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Việt Nam. “Công việc của tôi là giúp định nghĩa mối quan hệ đối tác chiến lược đó là gì và hai nước muốn gì trong mối quan hệ này. Cũng như hai nước sẽ đi ở nhịp độ nào để xây dựng quan hệ đó”, Đại sứ Shear nói.

 
Tàu hải quân Mỹ thăm Đà Nẵng năm 2009 - Ảnh: Diệu Hiền

Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như quốc phòng, giáo dục cũng được Đại sứ David B.Shear cam kết thúc đẩy. Ngoài việc tạo điều kiện để ngày càng có nhiều sinh viên VN tiếp cận với nền giáo dục Mỹ, ông Shear cũng sẽ làm việc với các đối tác chủ nhà về việc tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên Đại sứ Shear cũng thừa nhận giữa hai nước vẫn còn một số bất đồng trong lĩnh vực nhân quyền.


Ảnh: N.T 

Công việc của tôi là giúp  định nghĩa mối quan hệ đối tác chiến lược đó là gì và hai nước muốn gì trong mối quan hệ này. Cũng như hai nước sẽ đi ở nhịp độ nào để xây dựng quan hệ đó

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, David B.Shear

Đại sứ Shear đã trả lời một số câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước.

Ngài từng là chuyên gia về Trung Quốc (TQ) và hiện là Đại sứ Mỹ tại VN, một nước có mối quan hệ đặc biệt với TQ, trong khi Mỹ và TQ đều là các đối tác quan trọng hàng đầu của VN. Ngài có suy nghĩ gì về điều này?

Không có gì quan trọng hơn hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng trong khu vực cũng như mối quan hệ tốt có được giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Hy vọng trong quá trình thực hiện chính sách ngoại giao của mình, chúng tôi sẽ đem đến một khu vực mà tại đó tất cả mọi người đều có thể hưởng sự hòa bình và ổn định.

Quan điểm của ông về một sự kiện gần đây, việc một tàu TQ gửi cảnh báo đến một tàu của Ấn Độ khi tàu này vừa có chuyến thăm VN?

Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực cũng như quá trình thực hiện chính sách ngoại giao hợp tác của tất cả những nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông để giải quyết các tranh chấp mà không có sự cưỡng ép bắt buộc. Chúng tôi phản đối việc sử dụng hoặc de đọa sử dụng vũ lực của bất cứ nước nào tuyên bố chủ quyền để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình. Mỹ chia sẻ một số lợi ích quốc gia với cộng đồng quốc tế ở khu vực biển Đông, ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) của ASEAN và TQ, khuyến khích các bên đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC) đầy đủ. Mỹ không đứng về bên nào trong những tuyên bố chủ quyền biển Đông, song chúng tôi kêu gọi các bên hãy tuân thủ các luật pháp quốc tế cũng như Luật Biển quốc tế.

Làm tất cả để xây dựng lòng tin

Về quan hệ đối tác chiến lược, ông thấy trước những thách thức gì và ông trông đợi tiến trình sẽ diễn ra như thế nào?

Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên muốn làm với các đối tác Việt Nam là xây dựng lòng tin. Nền tảng cho một mối quan hệ tốt, có hiệu quả và tính cộng tác là có lòng tin. Và tôi sẽ làm tất cả để xây dựng lòng tin với đối tác Việt Nam.

Liệu có triển vọng gì về việc Mỹ sẽ bán vũ khí sát thương cho VN?

Mỹ không có chính sách bán vũ khí sát thương cho VN. Chúng tôi chỉ có thể bán những vũ khí không sát thương, mang tính chất phòng thủ cho VN trên cơ sở xét từng trường hợp một. Quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước đã có những cải thiện đáng kể trong vài năm trở lại đây. Khi Bộ trưởng Quốc phòng R.Gates thăm VN, ông đã từng nhất trí với phía VN rằng Mỹ và VN sẽ làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng như sau: an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn và một số hoạt động trao đổi khác. Hai nước vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của quan hệ quốc phòng và sẽ còn một chặng đường dài phải đi cho đến khi chúng tôi có thể bán những vũ khí sát thương cho VN. Tất nhiên, lúc đó cũng có thể kèm theo một số điều kiện khác như về vấn đề nhân quyền…

Ngoại trưởng H.Clinton đã từng đưa sáng kiến về vấn đề sông Mê Kông. Vấn đề môi trường được đặt ra như thế nào trong nhiệm kỳ của ông? Mỹ có lợi ích gì đối với khu vực sông Mê Kông?

Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm trong quan hệ của Mỹ với VN. Chúng tôi muốn giải quyết các vấn đề này thông qua các sáng kiến Hạ vùng sông Mê Kông. Việc xây dựng các đập trên dòng chính Mê Kông sẽ đưa lại những hậu quả rất lớn với các quốc gia ở hạ nguồn như VN. Mỹ muốn nói rõ với các đối tác khi họ lập kế hoạch xây dựng các con đập, cần cân nhắc về hậu quả có thể gây ra cho các nước ở hạ nguồn.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ có những tác động lớn đối với đồng bằng sông Mê Kông. Chúng tôi rất ý thức vấn đề này và đã có những dự án làm việc với phía VN, ví dụ như dự án với Đại học Cần Thơ về giám sát khu vực sông Mê Kông. Trên cơ sở dự án này, chúng tôi sẽ đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tính bền vững của khu vực.

Quan hệ thương mại đúng hướng

Mục tiêu trong phát triển quan hệ thương mại Mỹ - VN, ông muốn thay đổi chính sách gì của VN trong lĩnh vực này?

Khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương năm 2001, thương mại hai chiều mới chỉ đạt 1,5 tỉ USD, sau 10 năm thì con số đã là 18,6 tỉ USD. Năm 2010 mức tăng trưởng là 20% so với năm trước đó. Cá nhân tôi sẽ không đặt ra cam kết cụ thể về gia tăng xuất khẩu của Mỹ sang VN, nhưng chúng ta có thể thấy xuất khẩu của Mỹ vào VN đang tăng đều đặn và mục tiêu của tôi là duy trì đà tăng này. Trong sáng kiến của Tổng thống Obama về xuất khẩu có đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm tới. Chúng tôi đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó trong quan hệ thương mại với VN.

Trong các thảo luận với Việt Nam, chúng tôi luôn khuyến khích Chính phủ VN làm tất cả những gì có thể để cải thiện giúp tăng xuất khẩu của Mỹ sang VN, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại VN. Chúng tôi sẽ làm việc rất chi tiết về vấn đề này trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vừa qua có một số nghị sĩ Mỹ muốn đưa VN trở lại danh sách quốc gia cần quan tâm về vấn đề tôn giáo. Xin cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề này?

Nếu tôi không nhầm thì VN từng nằm trong danh sách các quốc gia đáng quan ngại về vấn đề tôn giáo hồi 2004. Những quy định pháp lý của Mỹ có những định nghĩa chi tiết về việc một nước như thế nào sẽ được đưa vào danh sách này. Khi VN đáp ứng được các điều kiện cụ thể, chúng tôi đã đưa VN ra khỏi danh sách này và cho đến nay chưa có bất cứ quyết định nào đưa lại VN vào danh sách này cả.

Chúng tôi theo dõi lĩnh vực tôn giáo trong tổng thể mối quan hệ với VN rất chặt chẽ và chúng tôi cũng làm việc tích cực với các đối tác VN về vấn đề này. VN đã có những cải thiện tích cực về vấn đề này và chúng tôi mong muốn thấy có thêm những tiến triển…

Chuyên gia về Đông Á

Theo website Bộ Ngoại giao Mỹ, ông David Bruce Shear gia nhập ngành ngoại giao năm 1982. Từ đó đến nay, ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại Bộ Ngoại giao và sứ quán Mỹ ở nhiều nước. Từ 1999 - 2001, ông Shear là Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ. Sau đó, ông làm Tham tán công sứ phụ trách chính trị ở Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản cho đến năm 2005. Từ 2005 đến 2008, ông Shear là Công sứ Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia.

Năm 2008, ông đảm nhiệm chức Giám đốc các vấn đề Trung Quốc và Mông Cổ, thuộc Cục đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao. Năm 2009, David B.Shear làm Phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ngày 4.8.2011, ông David B.Shear chính thức tuyên thệ nhậm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam.

Ông David Shear tốt nghiệp trường Đại học Earlham (bang Indiana), lấy bằng thạc sĩ các vấn đề quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và nghiên cứu về ngoại giao tại Đại học Georgetown.  Ông cũng từng học tại Đại học Waseda (Nhật Bản), Đại học Đài Loan, Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nên ông sử dụng lưu loát tiếng Nhật và tiếng Trung.

Ngô Minh Trí

Nguyên Phong (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.