Nhịp sống công nghiệp ít vận động, ngồi văn phòng nhiều đã khiến chứng đau lưng hành hạ không ít người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 80% dân số toàn cầu từng bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Đau lưng làm bệnh nhân giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất làm việc, về lâu dài có thể dẫn đến một số bệnh lý về cột sống như thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống... Các bệnh này là nguyên nhân xin nghỉ việc do không đủ điều kiện sức khỏe hàng đầu ở những người dưới 45 tuổi. Đây cũng trở thành gánh nặng đáng kể về kinh tế, xã hội khi làm mỗi quốc gia trên thế giới thiệt hại trung bình hàng trăm triệu euro/năm.
Bác sĩ Hồ Thị Oanh, Trưởng khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện An Bình) cho biết, ngoài các trường hợp bị vẹo cột sống bẩm sinh hoặc chấn thương cột sống, nguyên nhân của chứng đau lưng chủ yếu do các tư thế, động tác sai trong sinh hoạt thường ngày.
Cột sống chúng ta bao gồm các đốt sống, đĩa đệm, mặt khớp và hệ thống dây chằng, cơ bao xung quanh. Tất cả “phối hợp” với nhau một cách hài hòa, tạo thành 3 đường cong sinh lý (ưỡn ở đốt sống cổ, gù ở đốt sống ngực và ưỡn ở đốt sống thắt lưng) giúp đảm bảo các chức năng nâng đỡ cơ thể, bảo vệ tủy sống và đảm bảo các cử động (cúi, ngửa, nghiêng, xoay cột sống). Cấu tạo đặc biệt như một “bộ phận giảm sốc” giúp sức ép ở cột sống giảm đi 10 lần, lực tỳ đè trên cột sống được phân bổ đều lên đĩa đệm phía trước cùng 2 mặt khớp phía sau, đồng thời hệ cơ, dây chằng không bị căng giãn, nén ép. Những tư thế sai sẽ làm hệ thống đang vận hành một cách trơn tru này trở nên trúc trắc, nhẹ thì đau lưng do cơ co thắt, nặng hơn thì tổn thương dây chằng, thoát vị đĩa đệm. Việc điều trị tùy theo mức độ, có thể rất phức tạp và tốn kém nếu phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Theo bác sĩ Oanh, cộng đồng cần chú ý phân biệt các tư thế, động tác đúng - sai để ứng dụng trong sinh hoạt, lao động hằng ngày cùng các biện pháp tập luyện thích hợp để phòng tránh và điều trị chứng đau lưng thật hiệu quả.
- Khi ngồi làm việc, nên giữ gối ở mức ngang hông, vai thả lỏng tự nhiên, hai chân đặt trên mặt phẳng, nên ngồi sát để lưng thẳng, có thể dựa được vào lưng ghế, giúp chia bớt một phần áp lực trọng lượng cơ thể. Cần tránh ngồi xa bàn khiến cổ phải cúi xuống vì chỉ cần hướng ra trước 5 cm, cột sống cổ đã phải chịu tải gấp 3 lần bình thường. Bờ trên màn hình máy tính cũng phải ngang tầm nhìn và chiều cao ghế cần điều chỉnh phù hợp để tránh cúi, ngửa cổ.
- Để đảm bảo 3 đường cong sinh lý khi đứng, đi, bạn nên giữ sao cho tai, vai và hông thẳng hàng. Kiểm tra tư thế đúng bằng cách đứng sát tường: gót cách tường 5-10 cm, 2 chân ngang bằng vai, vai, ót tựa nhẹ nhàng vào tường, mông chạm tường.
- Tránh nằm võng, nệm quá mềm và nằm nghiêng chéo chân. Nên chọn gối thấp và đặt sao cho mép gối ngang mép vai. Nên đặt một gối mỏng dưới nhượng chân để giảm căng vùng lưng. Tư thế đúng khi nằm nghiêng là hai chân hơi co nhẹ, song song và giữ cho vành tai, vai, hông trên một đường thẳng.
- Hạn chế tối đa cúi gập lưng để nâng hoặc nhặt vật. Những cử động đột ngột ở tư thế sai này có thể gây tổn thương cột sống. Cần tiến sát vật, co hai chân và ôm vật sát người rồi mới nâng vật lên. Nếu quá nặng có thể dùng xe kéo, tránh để cột sống phải chịu tải quá lớn.
- Có thể chơi một số môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ để hệ cơ chắc khỏe, giúp bảo vệ cột sống hiệu quả. Riêng bệnh nhân bị đau lưng nên đến khám tại các chuyên khoa vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập đặc thù.
-Việc giữ chế độ dinh dưỡng cân bằng cũng rất quan trọng vì những người béo phì thường có cột sống ưỡn quá mức vùng thắt lưng, cơ bụng bị kéo giãn, cơ lưng co thắt, lâu dài khiến cơ yếu, bảo vệ cột sống không hiệu quả, có thể gây đau lưng.
-Được tập thói quen tốt ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ tránh được các bệnh lý như vẹo cột sống, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, đồng thời có được thói quen tư thế đúng, phòng ngừa hiệu quả chứng đau lưng khi trưởng thành.
Lan Chi
Bình luận (0)