Bản Ông Tú cách quốc lộ 12A chỉ chừng 7 cây số nhưng thuộc địa bàn xa xôi, hẻo lánh, cách trở nhất của huyện Minh Hóa. Từ bản muốn ra trung tâm xã và trường tiểu học đóng ở bản Hưng đều phải lội qua suối Rào. Ông Đinh Thiêm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hưng, cho biết: “Có 15 HS ở bản Ông Tú. Ngoài việc thường xuyên động viên các em tới trường, chúng tôi phải phối hợp với gia đình theo dõi. Nhưng thực sự là không an tâm và nhìn các em bơi đi học ướt át rất tội nghiệp. Mỗi năm học, HS bản Ông Tú phải nghỉ học ít nhất 1 tháng do mưa lũ nên chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Có tận mắt chứng kiến mới thấy được hoàn cảnh đáng thương và tinh thần hiếu học của các HS người Vân Kiều. 11 giờ, tiếng trống tan trường vang lên, cả nhóm chạy ùa ra rồi băng theo một con dốc hướng xuống suối. Đến bên bờ suối, các em đồng loạt lấy túi nylon trong cặp ra rồi cởi áo quần, cặp bỏ vào và cột lại; cứ 3-4 em chung một túi, tất cả thao tác nhanh gọn và thuần thục. Cả nhóm chuẩn bị xong thì cùng lội xuống suối, dù trời hanh nắng nhưng một số em nhỏ vẫn co ro vì nước suối lạnh. Hồ Không (lớp 5A) chần chừ: “Nước chỗ này sâu và chảy mạnh nên chúng cháu sợ”. Mưa trước đó mấy ngày khiến nước dâng cao, con suối trở nên rộng và chảy xiết hơn. Vậy nên các em không thể bơi ngang từ bờ bên này sang bờ bên kia mà phải bơi xuôi theo dòng chảy. Vật lộn trên suối một lúc rồi cuối cùng các em cũng lên được bờ.
|
|
|
|
Những cơn mưa rừng bất chợt và nhiều lúc hung dữ là nỗi khiếp sợ của người dân nơi này; do địa hình dốc, hẹp nên chỉ một trận mưa kéo dài vài tiếng đồng hồ là nước cuồn cuộn đổ về chia cắt núi đồi. Đã có không ít trường hợp nguy hiểm xảy ra. Như mùa lũ 2009, chiếc đò chở 2 giáo viên mầm non vào bản Ông Tú dạy điểm trường lẻ bị lật giữa dòng nước xoáy. Một cô giáo bị cuốn trôi gần 200m, may mắn được người dân phát hiện cứu sống. Mới đây, trong khi bơi qua suối, ông Hồ Nhâm cũng bị nước cuốn trôi và cũng may mắn được cứu.
Ngoài 15 HS tiểu học, bản Ông Tú còn có 6 HS khác đang học trường THCS Trọng Hóa và cũng phải bơi qua suối mỗi ngày. Được biết, địa phương và người dân cũng có sắm đò để ở suối nhưng đã bị lũ cuốn trôi và làm hư hỏng. Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Phin cho biết: “Phía trong bản Ông Tú còn có bản Ka Oóc, người dân cũng phải bơi qua suối. Xã không đủ kinh phí làm cầu nên đành vậy thôi, mấy lần địa phương có kiến nghị với cấp trên rồi. Nhưng có lẽ do dân cư hai bản ít nên việc cấp kinh phí khó khăn”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Phòng Giáo dục Minh Hóa cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiêm khắc xem xét. Việc để HS bơi như vậy là điều không nên, không thể mạo hiểm. Vì các trường đều dạy học sớm hơn so với quy định để có quỹ thời gian bù lúc mưa bão, thiên tai. Lâu nay chính quyền địa phương và trường học các xã Trọng Hóa, Dân Hóa đều không có báo cáo về tình hình dân cư, HS; trong vùng này có khoảng 10 khe suối. Cũng cần nên tính lại phương án di dân hay làm cầu”.
Trương Quang Nam - Xuân Vương
Bình luận (0)