Làm gì để du lịch VN phát triển?

14/09/2011 00:36 GMT+7

Lần đầu tiên 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Lào, Myanmar và VN (CLMV) cùng bàn về việc hợp tác trở thành một điểm đến chung. Đây cũng là lúc để mổ xẻ những hạn chế của ngành du lịch nhằm tìm ra giải pháp khai thác hiệu quả các cơ hội phát triển mới.

 

Kết nối điểm đến giữa các quốc gia tăng khả năng cạnh tranh hơn cho du lịch VN, nhưng chưa được thực hiện một cách hiệu quả - Ảnh: Đ.N.Thạch

Theo ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải, Trưởng ban Tiếp thị và bán sản phẩm, Vietnam Airlines (VNA), gần đây du khách quốc tế có sự dịch chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khiến mức tăng trưởng khách của khu vực này đã vượt qua châu Mỹ (sau châu u), chiếm 22% thị phần toàn cầu và dự kiến năm 2020 sẽ đạt 27%. Riêng khu vực Đông Nam Á, đến năm 2020 có thể đạt 125 triệu khách quốc tế.

Nhu cầu kết nối điểm đến của du khách là rất lớn. Ông Hải nói: “Khảo sát của VNA cho thấy, trong số 10 khách đến VN có 4 khách kết hợp với điểm đến khác và 3 khách kết nối với điểm đến trong 4 quốc gia CLMV. Việc kết nối điểm đến làm gia tăng khả năng cạnh tranh và tiết kiệm chi phí quảng bá. Cách đây 5 năm, từ 4 đường bay đến 3 điểm trong CLMV, thì tới 2011, VNA đã có 12 đường bay đến 6 điểm là Luang Prabang, Vientiane, Pakse (Lào), Phnom Penh, Siem Riep (Campuchia) và Rangon (Myanmar) với tần suất 65 chuyến bay/tuần. Thực tế, việc kết nối điểm đến Hạ Long và Siem Riep khiến lượng khách tăng trưởng đến 69%. Đây là kết quả trong quá trình phát triển điểm đến chung của khu vực mà VNA thực hiện”.

4 quốc gia, 1 visa?

Mục tiêu 10 triệu lượt khách quốc tế

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, khách quốc tế du lịch vào 4 quốc gia CLMV đạt 11 triệu lượt vào năm ngoái. Du lịch trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước. Tuy nhiên, nhiều khó khăn nội tại như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, trình độ nhân lực hạn chế, thách thức về thiên tai, dịch bệnh, suy giảm kinh tế… đã tác động tới phát triển du lịch của các nước; ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Vì thế, đòi hỏi xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng… là cấp thiết. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác để tìm kiếm giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư du lịch của 4 nước.

Du lịch VN đạt doanh thu gần 5 tỉ USD vào năm ngoái với 28 triệu lượt khách nội địa, 5 triệu lượt khách quốc tế và hướng tới mục tiêu 10 triệu lượt khách quốc tế, 40 triệu lượt khách trong nước vào năm 2020.

Từ phân tích trên, ông Hải đề xuất, các nước cần có chính sách nới lỏng visa đối với những quốc gia có nguồn khách lớn ở Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và Úc. “Đặc biệt cần đưa cam kết 1 visa đi được 4 nước vào thực hiện, nếu làm được điều này thì lượng khách sẽ tăng mạnh, cung cấp doanh thu quan trọng để tái đầu tư cơ sở hạ tầng”, ông Hải nói thêm.

Cùng quan điểm, ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc (TGĐ) Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho rằng phương án xem xét cấp 1 visa cho du khách đến từ nước thứ 3 (ngoài CLMV) được đi lại tự do trong CLMV, như cộng đồng chung châu u, là khả thi. “Nếu chính phủ của 4 quốc gia thống nhất thì việc này có thể giải quyết được và đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch”, ông Việt khẳng định.

Phương án sử dụng chung 1 visa cho cả VN, Lào, Campuchia đã được đưa ra từ năm 2007 trong khuôn khổ các hợp tác du lịch của 3 quốc gia, nhưng chưa được xem xét nghiêm túc, trong khi đây là mấu chốt của việc kết nối thành công hay không. Lần này, với sự tham gia của Myanmar, vấn đề trên lại được tiếp tục đưa lên bàn thảo luận.

Theo các hãng lữ hành, kể từ khi có sự bắt tay nhau hợp tác 3 quốc gia - 1 điểm đến (Lào, Campuchia, VN) cho đến nay, việc quảng bá xúc tiến vẫn do mỗi quốc gia thực hiện mà không có sự phối hợp. Một khi mỗi quốc gia tự giới thiệu theo cách của mình, thì ý tưởng điểm đến chung thất bại, do khả năng sản phẩm bị trùng lặp rất lớn. Nếu phối hợp không bài bản thì vấn đề này sẽ xảy ra và 4 quốc gia sẽ cạnh tranh nhau trên cùng một sản phẩm thế mạnh giống nhau. Chẳng hạn, ẩm thực từng vùng có sắc thái riêng, nếu quảng bá không có tính toán thì sẽ trùng lặp.

Theo Saigontourist, công ty này đã xuất bản một ấn phẩm chung giới thiệu điểm đến 4 quốc gia và cung cấp cho hàng trăm hãng lữ hành trên thế giới. Tuy nhiên, đây mới là nỗ lực riêng lẻ của một doanh nghiệp.

Những “ổ voi” trên con đường du lịch VN

Khoảng cách rất ngắn từ khách sạn Rex ở trung tâm ra khu vực Đa Kao ăn tối, chiếc taxi phải chạy mất 1 giờ. Bản thân tôi phải nhắc nhở vị khách này cẩn thận kẻo bị cướp giật mất đồ, dù không hề muốn nói

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt

Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore cho rằng VN cần mở rộng hơn nữa các đường bay quốc tế. Trong du lịch, vận chuyển và lưu trú đóng vai trò then chốt. Vận chuyển vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu tour ở VN, bao gồm vận chuyển hàng không và đường bộ. Riêng đường bộ, ách tắc giao thông nội đô trở thành nỗi ám ảnh của các công ty lữ hành. Các quãng đường ngắn từ TP.HCM đi Vũng Tàu hay Phan Thiết, Mỹ Tho… mất quá nhiều thời gian. Đối với lưu trú, trên một mặt bằng nào đó, các khách sạn cao cấp vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách mùa cao điểm.

Theo ông Robert Tan, điều đáng lo ngại nữa là môi trường du lịch của VN không được cải thiện, nếu không muốn nói là càng ngày càng tệ. Tình trạng cướp giật của cải của du khách ngay trên đường phố liên tục tái diễn. Các khu vực trung tâm TP.HCM trở nên bất ổn, vì du khách luôn phải cảnh giác cao độ để giữ đồ đạc mang theo bên người. “Mới đây, khách người Singapore qua TP.HCM chơi đã đi tham quan khu Chợ Lớn. Chúng tôi căn dặn kỹ càng nếu bắt taxi nên chọn những hãng uy tín và ghi rõ tên hãng. Nhưng khi bước ra khỏi chợ Bến Thành, họ bắt nhầm taxi nhái và bị buộc phải trả một khoản tiền lớn. Bực tức, họ đòi chụp hình tài xế, biển số xe và báo công an nên tài xế này mới chịu lấy 80.000 đồng, thay vì đòi 500.000 đồng như ban đầu”, ông Tan kể.

“Vấn nạn” giao thông

Bà Bùi Thị Hồng Hà, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL An Giang, cho rằng khó khăn lớn nhất là giao thông từ TP.HCM về ĐBSCL gần như quá tải, phà kẹt, đường nhỏ, nên khách quốc tế đến TP.HCM, sau đó ngại tham quan ĐBSCL. Ngoài ra, giữa hai chính phủ VN và Campuchia có thống nhất chủ trương cho thông xe hai bên, nhưng ngành giao thông lại chưa có hướng dẫn, thành ra phải đổi xe ở biên giới. Nếu gút mắc này được tháo gỡ, thì các công ty lữ hành sẽ đỡ khổ hơn.

Trong khi đó, theo ông Đặng Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Mêkông, tại cửa khẩu Vĩnh Xương, phía Campuchia đã cấp thị thực tại chỗ cho khách ngay cửa khẩu, còn phía VN thì chưa.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt kể, trong chuyến đến TP.HCM để tham dự hội chợ du lịch đang diễn ra, chủ một hãng lữ hành lớn của Mỹ đã phàn nàn với ông về tình trạng giao thông. “Khoảng cách rất ngắn từ khách sạn Rex ở trung tâm ra khu vực Đa Kao ăn tối, chiếc taxi phải chạy mất 1 giờ. Bản thân tôi phải nhắc nhở vị khách này cẩn thận kẻo bị cướp giật mất đồ, dù không hề muốn nói”, ông Huê bức xúc.

Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá du lịch nên thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài đảm trách, bởi hơn ai hết họ am hiểu thị trường. Ngành du lịch kêu gọi phát triển du lịch đường sông nhưng cả nước không có một cảng chuyên biệt nào dành cho du khách. Những vấn đề nhỏ như chương trình giải trí dành cho khách, sản phẩm quà lưu niệm… bao nhiêu năm rồi vẫn vậy thì khó lôi kéo khách quay trở lại lần hai, lần ba. “Theo tôi, thời gian qua tăng trưởng khách quốc tế của VN tương đối tốt chủ yếu do VN là điểm đến mới, khách đến vì tò mò. Tuy nhiên, tỷ lệ quay trở lại thấp chứng tỏ sức hút không đủ hấp dẫn. Vì thế, để lượng khách đạt 15 triệu lượt như Thái Lan là không hề dễ dàng và có thể sẽ không tiếp cận được. Trong kinh tế, người ta thường nói đến bẫy thu nhập trung bình, có nghĩa là đến một mức thu nhập nào đó sẽ dừng lại và không tiến tới mức thu nhập cao. Du lịch VN cũng có thể rơi vào tình trạng như vậy, đến một lượng khách nào đó thì tăng trưởng rất chậm, nếu các vấn đề nội tại không được xử lý dứt điểm, tạo được sức bật mới”, ông Huê phân tích.

(còn tiếp)

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.