Cửa chùa đã trở thành mái nhà của hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi. Trong số đó, có những đứa trẻ đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, lập gia đình, sinh con đẻ cái..., nhưng cũng có những đứa trẻ chỉ ghé tạm ở trần gian được vài tháng và yên nghỉ trong những ngôi mộ trẻ thơ ngay tại khuôn viên chùa.
Tiếng trẻ con khóc sáng tinh mơ...
Một buổi sáng cách đây gần 30 năm, khi tiếng chuông chùa vừa điểm, sư cô trụ trì Huệ Đức đang lần nhịp tụng kinh bỗng nghe những tiếng khóc thút thít từng đợt, trong trẻo nhưng yếu ớt như tiếng trẻ thơ. Bất giác, sư cô chạy ra cổng chùa và nhìn thấy một đùm khăn đang động đậy, lần giở đùm khăn ra thì thấy bên trong là một bé gái sơ sinh đã tím tái và đang lịm đi vì đói và lạnh. Sư cô Huệ Đức tâm sự: "Sự xuất hiện của đứa trẻ đó trước cửa chùa như là một cơ duyên và không một chút ngần ngại, tôi đã mang đứa trẻ bị bỏ rơi nuôi dưỡng tại chùa.
|
Mặc dù khi đó chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh mà không có hơi ấm, dòng sữa từ người mẹ đẻ ra đứa trẻ là một việc không dễ dàng, nhưng bằng tình thương yêu với sinh linh bé nhỏ này, tôi phải tập làm “mẹ”, tập cho đứa trẻ ăn cháo, uống sữa ngoài". Khi đầu đứa trẻ đó cũng kén ăn lắm, nhưng dần dà bé cũng quen và bắt đầu cứng cáp và khoẻ mạnh lên dần, cho đến bây giờ đứa trẻ đó là chị Hồ Đức Diệu Hiền (28 tuổi) đã là vợ, là mẹ của những đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay của vợ chồng anh chị.
Hôm đó, chúng tôi không được gặp chị Diệu Hiền, nhưng qua lời kể của sư cô Huệ Đức, mặc dù đã lớn và ra đời tự lập cuộc sống, nhưng chị Diệu Hiền cũng như mỗi người con ở chùa Diệu Pháp vẫn luôn trở về mái nhà chung để cùng sư cô đùm bọc, dạy dỗ những đứa trẻ bất hạnh sau này để chúng được lớn lên làm những người mẹ, người cha biết yêu thương con cái.
Cũng từ cái ngày cửa chùa xuất hiện tiếng khóc của trẻ thơ vào năm 1983 đó, đã đánh dấu sự ra đời của mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp, sau này đổi tên là: “Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội chùa Diệu Pháp”. Suốt gần 30 năm đó, cái cơ duyên nuôi nấng đứa trẻ bị bỏ rơi được đồn vang và rất nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ tật nguyền, trẻ bị H (HIV), trẻ bị bệnh hiểm nghèo... lại được đặt trước cửa chùa, sư cô Huệ Đức cùng các sư trong chùa, những đứa trẻ bị bỏ rơi đã trưởng thành tiếp tục “thắp lửa” nuôi nấng những số phận bất hạnh đó nên người.
|
…tới những cái tên rất đời
Chùa Diệu Pháp không lớn, nhưng dành rất nhiều diện tích cho xây dựng những khu nhà ở cho trẻ. Khu vực cổng tam quan, sân chùa, bái đường và chính điện chỉ khiêm tốn nằm nép một bên góc trong khuôn viên chùa. Còn phần lớn đất là các phòng dành để nuôi dưỡng các số phận bất hạnh được chia ra từng khu vực dành riêng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi, phòng cho các cháu nam trên 10 tuổi, phòng cho các cháu nữ trên 10 tuổi, phòng cho những người già neo đơn, phòng tâm thần...
Theo sự chỉ dẫn của sư Huệ Đức, chúng tôi tới khu vực dành cho trẻ em dưới 5 tuổi, trông khá gọn gàng và ngăn nắp. Chị Trần Thị Thương – người đã gắn bó với chùa hơn 11 năm - đang cho bé Thơm (chưa đầy 3 tháng tuổi) ăn sữa. Chị cho biết, đây là trường hợp mới nhất mà nhà chùa nhận được, lúc đó bé Thơm cũng bị bỏ rơi trước cửa chùa khi mới được 1 ngày tuổi.
Chị giới thiệu cho chúng tôi từng đứa trẻ, chỉ nghe cái tên, nhiều người cũng hình dung ra được hoàn cảnh của từng đứa trẻ bị bỏ rơi như thế nào. Mỗi đứa trẻ tới với chùa đều mang một số phận khác nhau, nhưng khi vào sự bao bọc của sư cô Huệ Đức, chúng đều được mang họ Hồ Đức Diệu theo họ của sư cô. Ngoài tên chính, mỗi đứa trẻ đều có những cái tên rất đời, gắn liền với hoàn cảnh chúng tới với cửa chùa.
Đưa ánh mắt về từng đứa trẻ đang tinh nghịch hồn nhiên, chị Thương kể: Đứa trẻ đang ngồi một mình kia là Hồ Đức Diệu Thương, tên thường gọi là “Cao Su” vì nhà chùa nhặt được cháu trong vườn caosu khi bé thở rất yếu ớt do nhà chùa phát hiện muộn. Đứa ngồi trong xe đẩy là Hồ Đức Diệu Tâm, tên thường gọi là “Chó”, do 3 năm trước trong lúc một ni cô đang dọn dẹp sân chùa thì thấy con chó đốm tha về bọc vải, nó thả ngay dưới chân tượng Phật rồi sủa vang.
Đứa áo chấm hồng là Hồ Đức Diệu Tường, tên thường gọi là “Tù Và” vì em rất hay hờn khóc, nhất là vào ban đêm, em khóc đến tím tái cả người mà dỗ thế nào nó cũng không chịu nín. Hai anh em mặc áo vàng giống nhau kia là hai anh em sinh đôi bị bỏ rơi khi mới 7 ngày tuổi nên thường gọi là “Hưu” và “Nai”, rồi đứa kia tên là “Lượm”, đứa kia nữa là “Lượm Hai”, còn “Lượm Ba” thì sống được mấy tháng ở chùa thì mất.
Còn cháu mặc quần áo trắng nằm trên giường kia là Hồ Đức Diệu Hoa, tên thường gọi là “Trâu” do chúng tôi phát hiện cháu bị vứt ngay trước cửa chùa đúng vào mùng 2 tết năm con trâu. Bé Trâu từ lúc nhà chùa lượm được thì đã mắc bệnh não úng thuỷ bẩm sinh, gầy gò và ít khóc, ít cười. Mặc dù đã đưa đi điều trị nhưng không khỏi do chi phí quá lớn, nhà chùa nuôi dưỡng bé Trâu đến bây giờ nhưng càng lúc Trâu càng yếu hơn trước - chị Thương bùi ngùi.
...và cả những ngôi mộ trẻ thơ
Một điều mà sư cô Huệ Đức cảm thấy đau lòng là có nhiều đứa trẻ khi được bỏ trước cửa chùa, do không phát hiện kịp thời nên trong tình trạng cơ thể bị côn trùng, động vật xâm hại. Sau đó mặc dù đã được các sư đưa đi chữa trị tại bệnh viện, nhưng chỉ sống được vài tháng do kiệt sức. Ngay trong khuôn viên chùa là 5 ngôi mộ được sắp kề nhau, trên bia mộ là hình hài những đứa trẻ ngây thơ chỉ có cuộc sống ngắn ngủi khắc ghi: “Hương Linh Nguyễn Bảo Gia Ngọc – pháp danh Huệ Phúc – sinh ngày 16.12.2003 – mất ngày 30.12.2003”; “Hồ Đức Diệu Phước – bỏ rơi ngày 1.12.2002 – mất ngày 5.3.2003” (sau này sư cô Huệ Đức cho biết là Diệu Phước mất do mắc bệnh H từ mẹ truyền sang con).
Thương tâm nhất là trường hợp em Nguyễn Thị Diệu Hiền, tên thường gọi là “Lượm Ba”. Sư cô Huệ Đức kể: "Khi nhà chùa phát hiện được phía sau vườn thì em đã bị kiến bu khắp lỗ tai, lỗ mũi và những nơi có máu, mủ, bàn tay phải bị chó cắn gần đứt. Lúc đó, tôi phải đưa em lên ngay bệnh viện, cho nằm lồng kính hơn nửa tháng, sau đó phải tháo khớp bàn tay bị chó cắn, rồi mang về chùa nuôi dưỡng. Nhưng chưa đầy 9 tháng, do bị kiệt sức nên Lượm Ba cũng không tiếp tục sống được nữa".
Sau gần 30 năm nuôi dưỡng những mầm non bất hạnh, đến nay cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội chùa Diệu Pháp đã giúp cho hơn 500 mảnh đời có được cuộc sống ổn định. Trong số đó, có 48 người đã tốt nghiệp đại học, đi làm, một người đang học tiến sĩ tại Nhật, một người là thạc sĩ ngoại ngữ... Và còn 46 người đang tiếp tục theo học các trường ĐH – CĐ, trung cấp tại TPHCM, Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế... Hiện, cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội chùa Diệu Pháp đang nuôi dạy 101 đứa trẻ bị bỏ rơi, bệnh hiểm nghèo... và 24 người già cả, tâm thần, neo đơn.
Để có tiền nuôi nấng bọn trẻ, 6 ni sư trong chùa phải tăng cường ngày đêm lao động vất vả hơn gấp nhiều lần. Mảnh đất rộng 3ha của chùa được tận dụng trồng lúa, caosu, rau củ... để tự cung tự cấp về lương thực. Sư cô Huệ Đức chia sẻ: Các sư cô chùa Diệu Pháp còn tạo mọi điều kiện khuyến khích các con đi học và theo đuổi con đường tri thức đến cùng. Bọn trẻ bắt đầu lên 4 tuổi đã được cho đi học mẫu giáo rồi cứ thế lên tiểu học, trung học, đại học. Sức học của các em đến đâu thì mình cố gắng nuôi dưỡng tới đó.
Chùa Diệu Pháp bây giờ đã được nhiều người biết đến, nhiều tổ chức từ thiện và cá nhân đã tới cùng sư cô Huệ Đức chung tay xây dựng và nuôi dưỡng các đứa trẻ tật nguyền, trẻ bị bỏ rơi. Những đứa trẻ đó bây giờ đã trưởng thành từ mái ấm Diệu Pháp, hằng ngày sau giờ làm việc lại trở về với mái nhà chung cùng sư Huệ Đức nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ đang tiếp tục bị bỏ rơi lớn lên thành người.
Theo Lao Động
Bình luận (0)