Trộm cướp hoành hành - Kỳ 4: Thông tin của dân cực kỳ quan trọng

15/09/2011 00:59 GMT+7

Trước tình hình trộm cướp liên tục xảy ra, gây bất an cho người dân, thượng tá Trần Văn Ngọc, Phó phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP.HCM, cho biết hiện phòng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cướp giật trên đường phố.

>> Kỳ 3: Người dân treo giá bắt trộm!

Ông đánh giá thế nào về tình hình trộm cướp liên tục xảy ra trên địa bàn TP trong thời gian qua?

Theo số liệu báo cáo, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên toàn địa bàn TP trong 9 tháng đầu năm 2011 không tăng. Chỉ có một số phường ở Q.1, tội phạm trộm, cướp giật có phương tiện tăng nhưng nhìn chung trên toàn địa bàn Q.1 và toàn TP là giảm. Tình hình cướp ở một số quận, huyện vùng ven có tăng và phức tạp hơn. Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) đã tích cực vào cuộc điều tra khám phá băng nhóm dùng kéo gây án, trong đó có 1 nạn nhân bị đâm chết. Kể từ đó, số vụ cướp xảy ra trên Q.Bình Tân cũng giảm hẳn.

Trong khi chờ cơ quan công an ra tay, người dân đã tự phục bắt bọn đạo chích (Trong ảnh: Người dân P.13, Q.3 bắt một đối tượng trộm cắp xe gắn máy) - Ảnh: Minh Nam

Ông nói giảm, vậy thì tại sao tại cuộc họp ngày 12.9 vừa qua, lãnh đạo UBND Q.1 cho rằng tình hình cướp giật ở khu trung tâm TP có tăng và đáng quan ngại? Tại sao số liệu của Q.1 và PC45 “vênh” nhau?

Không có “vênh” mà hoàn toàn khớp. Trong 8 tháng đầu năm, trên địa bàn Q.1 xảy ra 168 vụ phạm pháp hình sự. Thực ra, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn Q.1 trong 8 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ giảm 34 vụ. Tuy nhiên, theo như tôi biết, vẫn còn việc người bị hại không trình báo hoặc thiếu thông tin về những vụ trộm, cướp cho cơ quan công an.

''Có một số trường hợp cơ quan công an thiếu nhiệt tình, đùn đẩy trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin trình báo của người bị hại''

Theo ông, vì sao có tình trạng nhiều người bị hại ít trình báo cho cơ quan công an?

Có nhiều lý do. Lý do thường thấy nhất là do người dân không rành địa bàn nơi xảy ra vụ việc để đến cơ quan công an trình báo cụ thể. Một nguyên nhân khác nữa là có một số trường hợp cơ quan công an thiếu nhiệt tình, đùn đẩy trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin trình báo của người bị hại. Thông tin cung cấp của người dân cực kỳ quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm. Những thông tin quan trọng này là một trong những yếu tố giúp sức cho cơ quan công an đưa ra biện pháp giải quyết hoặc phá án. Người dân biết nhiều, nhưng kênh thông tin này cơ quan chức năng chưa khai thác triệt để, vẫn còn bị hạn chế. Nhược điểm này cũng được nhắc nhở trong các cuộc họp của Công an TP.HCM để chấn chỉnh.

Tâm lý người dân gọi đến đường dây nóng thường “ngại”, trừ khi bị xâm hại mới gọi báo. Nếu địa phương làm tốt công tác tuyên truyền đến từng tổ dân phố thì người dân chỉ cần báo tổ dân phố, tổ dân phố báo cảnh sát khu vực, báo phường, phường báo quận, thành phố để kịp thời giải quyết vụ việc.

Không ít nạn nhân nói rằng khi họ đến trình báo cơ quan công an, vụ việc vẫn “bặt vô âm tín”. Từ đó khiến người dân thiếu tin tưởng vào công tác phá án, dẫn đến tâm lý ngại trình báo?

Hoàn toàn không có chuyện đó. Tỷ lệ khám phá án cướp có phương tiện của chúng tôi chiếm tỷ lệ cao. Năm nào cũng cao, trên 80%. Chỉ có án trộm gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra nên tỷ lệ khám phá thấp. 

Theo quy định của ngành, cơ quan công an muốn lấy thông tin của nhân chứng phải xuống tận nhà để gặp trực tiếp dân lấy thông tin, thu thập chứng cứ. Ban ngày người dân đi làm thì tranh thủ ban đêm xuống để thu thập thông tin.

Dư luận thắc mắc, nhiều vụ trộm cướp liên tục xảy ra trên địa bàn TP, nhưng vẫn không thấy “bóng dáng” của CSHSĐN - vốn được xem là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống tội phạm trên đường phố? Vậy nhiệm vụ của CSHSĐN là gì?

Cũng theo thượng tá Ngọc, hiện PC45 đã tăng cường lực lượng trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến tội phạm do người dân cung cấp qua đường dây nóng: 08.38387342 -  39207196.

Tiền thân của CSHSĐN là lực lượng săn bắt cướp (gọi tắt là SBC). Sau một thời gian SBC ngưng hoạt động thì tình hình phạm pháp hình sự xảy ra trên đường phố diễn biến phức tạp nên TP mới thành lập lực lượng CSHSĐN. Theo quy chế hoạt động của lực lượng CSHSĐN là chống cướp, cướp giật có phương tiện và các loại tội phạm khác xảy ra trên tuyến giao thông, như: Xâm phạm nhân thân, tài sản của nhân dân hoặc các băng nhóm thanh toán trên đường phố...

Nhưng người dân vẫn lo sợ về tình hình cướp giật trên đường phố. Vậy trách nhiệm của lực lượng CSHSĐN ở đâu?

Thực tế, anh em đã làm hết sức mình không quản nắng mưa với tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều lúc trời mưa to, nhưng các chiến sĩ cũng phải mặc áo mưa đi làm. Quân số ở đâu cũng thiếu nhưng không vì thế mà kêu ca được, chúng tôi làm việc chủ yếu tinh thần trách nhiệm là chính. Kể từ khi ra đời, lực lượng CSHSĐN đã khám phá nhiều vụ trọng án và tham gia khám phá nhiều vụ án trộm cướp khác. Ở địa bàn trung tâm, PC45 đã bố trí lực lượng tuần tra rất dày đặc: hằng ngày bố trí 8 tổ, 24 trinh sát cho nên không thể nói CSHSĐN không làm hết trách nhiệm của mình. Ngoài ra, PC45 còn tăng cường lực lượng CSHSĐN tuần tra kiểm soát vào thời gian thường xảy ra cướp (từ 18 - 24 giờ); trộm (từ 0 - 6 giờ sáng).

Hiện nay, dư luận muốn biết là PC45 đã có biện pháp cụ thể ra sao để trấn áp tội phạm trộm cắp, cướp giật, tạo sự yên tâm cho người dân mỗi khi ra đường?

Lãnh đạo PC45 đã chỉ đạo cho các lực lượng CSHSĐN TP tăng cường phối hợp chặt chẽ với CSHSĐN các quận 1, 2, 3, 4, 5 và các quận giáp ranh với địa bàn trung tâm để tăng cường đấu tranh mạnh với số đối tượng nghi vấn xâm phạm tài sản trên địa bàn trung tâm; đặc biệt tại các khu vực có đông khách du lịch lui tới, như Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé, Bến Thành... Còn những biện pháp cụ thể thì thuộc về nghiệp vụ, tôi xin không thể tiết lộ. 

Người dân bức xúc

Trong tháng 8 vừa rồi, tôi cũng bị mất 2 chiếc điện thoại,1 bị giật mất, 1 thì bị cướp giữa ban ngày. Hôm đó thứ sáu, tôi đang đi bộ về nhà lúc 11 giờ 30 sáng thì có 2 tên đi chiếc xe máy màu trắng chạy vòng quanh, gặp tôi giả vờ hỏi đường rồi chúng nắm cổ áo tôi, cầm 2 ống kim chích để ngay cổ tôi rồi lục soát lấy điện thoại, rồi chạy đi mất.

Vũ Chí Hiếu
(vuchihi_1987@yahoo.com.vn)

Gần đây tình trạng cướp giật diễn ra tại TP.HCM thật đáng sợ. Tôi hiện cư ngụ tại đường Nguyễn Hồng Đào, P.14, Q.Tân Bình. Hầu như ngày nào trên tuyến đường này đều có giật túi xách, máy tính xách tay, dây chuyền, điện thoại. Có hôm lên đến 3 vụ. Điều đáng tiếc là trụ sở Công an phường 14 ngay cạnh chợ Bàu Cát nhưng những người mất tài sản không đến trình báo, cũng không thấy đội tuần tra của phường đi tuần.

(phuongthuy2001vn@yahoo.com)

Lê Nga
(tổng hợp)

Dân cung cấp hơn 828.000 tin báo tội phạm

Ngày 14.9, tại Hội trường TP.HCM, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm (2001-2011) thực hiện Nghị quyết liên tịch về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

Trong 10 năm qua, người dân TP đã cung cấp hơn 828.000 tin có liên quan đến an ninh trật tự, giúp cơ quan Công an điều tra bắt giữ 89.400 đối tượng liên quan và 20.506 đối tượng phạm pháp quả tang. Qua vận động, tuyên truyền, người dân cũng giao nộp cho công an hơn 3.200 khẩu súng, lựu đạn, trái nổ, hàng chục ngàn viên đạn, vũ khí thô sơ các loại; giáo dục cảm hóa hơn 100.000 đối tượng vi phạm pháp luật, góp phần kéo giảm khoảng 44% số vụ phạm pháp hình sự so với 10 năm trước đó.

Minh Nam

Minh Nam - Lê Nga - Đàm Huy
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.