Thật vậy, những năm qua, Ban Đại diện cha mẹ học sinh (BĐD) ở nhiều nơi đã dần xa rời chức năng phối hợp với nhà trường trong giáo dục học sinh mà đang trở thành “công cụ” huy động tiền cho nhà trường.
Lướt qua danh mục các loại tiền phải thu mà BĐD các trường đưa ra vào đầu năm học, đa số phụ huynh nghèo đều cảm thấy hoa mắt. Ngoài “phần cứng” là học phí (trừ tiểu học) và bảo hiểm, phụ huynh còn phải nộp hàng chục loại phí khác nhau như: tiền hội phí, tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh môi trường, tiền trang trí lớp, tiền xây dựng, tiền mua túi đựng bài kiểm tra, tiền làm nhà để xe, tiền sửa chữa nhỏ, tiền mua đồ thể dục, tiền mua đồng phục, tiền xây dựng thư viện, tiền bồi dưỡng tạp vụ, tiền bồi dưỡng cho các cô nấu ăn (đối với mẫu giáo)… “Hoành tráng” hơn, một số BĐD còn có “nhã ý” thu tiền mua quạt, máy lạnh, laptop, máy chiếu, màn hình cho trường.
Trăm dâu đổ đầu… phụ huynh. Hàng triệu đồng cho các khoản phải nộp là quá cao đối với những gia đình có thu nhập thấp. BĐD với “tinh thần kiên quyết” đã bám lấy Ban giám hiệu nhờ đôn đốc đến từng giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Ai thu chậm sẽ bị nhắc nhở. Vì vậy, GVCN trước và sau giờ dạy ở lớp mình phụ trách không thể không nói đến “tiền”. Đâu chỉ vậy, trong giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, GVCN qua quýt vài câu nhận xét tình hình học tập tuần qua, thời gian còn lại dành cho chủ đề… tiền!
Đã có GVCN than thở: “Mình là thầy, vậy mà buộc phải nói đi nói lại chuyện tiền chuyện bạc. Nhiều học sinh nghèo, mỗi lần nghe, chúng cúi gằm mặt xuống bàn. Những lúc ấy, thấy thương chúng nó vô cùng và cũng thấy ngượng với mình ghê lắm”.
Nhiều người cho rằng nhà trường, do nôn nóng tạo bước nhảy vọt về hình thức, về vật chất cho trường mình, do muốn có nguồn chi phong phú nên đã im lặng, để cho BĐD đặt ra nhiều thứ quỹ với danh xưng đẹp đẽ: Quỹ hảo tâm, Quỹ tấm lòng vàng, Quỹ tình nguyện. Ngẫm xem, nếu nhà trường lắc đầu thì BĐD nào dám lạm thu như thế?
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)