>> Kỳ 6: Quê Barcelona, lập nghiệp ở Sài Gòn
Sống hiền vì… sợ mất việc
Trong khi nhiều người mẫu trong nước hằng ngày vẫn xuất hiện trên báo chí với vô số câu chuyện giật gân liên quan đến tình yêu, “lộ hàng” hay sắm xe hơi, tậu nhà… thì những người mẫu ngoại sống vô cùng lặng lẽ. Đơn giản bởi nếu tạo scandal, cơ hội làm nghề của họ gần như chấm hết. Số người mẫu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam rất ít ỏi, cơ hội làm nghề có đấy nhưng cũng rất dễ bị từ chối nếu liên quan đến bất cứ scandal nào. Những nhà tổ chức sự kiện, công ty tổ chức biểu diễn ngại khó nếu đụng phải người mẫu nước ngoài mang “tì vết”, bị công an nhắc nhở về nhân thân.
|
Siêu mẫu Xuân Lan tiết lộ trong một chương trình thời trang gần đây do cô đạo diễn, người mẫu Andrea (Tây Ban Nha) từ Hà Nội bay vào TP.HCM tham dự nhưng vì không xin được giấy phép biểu diễn cho cô do thời gian quá gấp nên Andrea đành phải ngồi làm… khán giả. Thủ tục xin cấp phép biểu diễn cho nghệ sĩ ngoại nói chung và người mẫu nước ngoài nói riêng trong các chương trình nghệ thuật, thời trang đòi hỏi phải được cấp UBND tỉnh, thành phố phê chuẩn, sau đó nếu có nhân thân tốt sẽ được Sở VH-TT-DL cấp phép.
Riêng chuyện “cặp kè” đại gia với người mẫu tây lại càng hiếm hoi. Nguyên nhân là người mẫu tây sống độc lập, tự chủ, không thích dựa dẫm vào đàn ông. Họ làm nhiều tiêu nhiều, làm ít thì tiêu ít và nhu cầu “khoe mẽ” chẳng cao.
|
Kỷ luật hơn, chuyên nghiệp hơn
Một người mẫu Việt nhận xét so với người mẫu ta, người mẫu tây sống thoáng hơn. Họ có thể thoải mái vui chơi suốt đêm mà không bị ai nhòm ngó do ít người biết họ. Nhìn chung, đa số người mẫu ngoại đến Việt Nam do khó thành công khi làm việc ở phương Tây, bởi tính cạnh tranh ở đó rất cao. “Cơ hội để được phỏng vấn hay chụp ảnh thời trang cho một tạp chí uy tín ở nước ngoài là cực hiếm cho những cô gái chân dài mắt xanh. Trong khi ở Việt Nam điều kiện dễ dàng hơn và cơ hội cũng nhiều hơn. Họ làm việc tại đây một thời gian để tạo dựng một sơ yếu lý lịch tốt trong công việc như từng tham gia chụp ảnh cho nhiều tờ báo lớn, biểu diễn các chương trình thời trang, tham gia quảng cáo sản phẩm… từ đó khi qua nước khác họ dễ tìm việc hơn. Nhìn chung, Việt Nam chưa phải là đất dụng võ của những người mẫu ngoại nổi danh và thật sự chuyên nghiệp. Có chăng họ chỉ được mời tham gia một chương trình thời trang nào đó rồi về nước, hoàn toàn không sống lâu dài tại đây. Lý do là thị trường thời trang của chúng ta chưa đủ lớn, đủ mạnh và ngành công nghiệp thời trang, làm đẹp chỉ mới phát triển nên thu nhập cho người mẫu ở đây không cao, rất khó thu hút những ngôi sao thời trang của thế giới”, người mẫu N.L nói thêm. Phần đông người mẫu nước ngoài khó sống được hoàn toàn bằng cát-sê. Họ buộc phải kiêm nhiều nghề khác như quản lý khách sạn, nhà hàng, làm kinh doanh, DJ hay thậm chí chỉ là sinh viên tìm việc làm thêm.
|
Người mẫu Nga Katya Kazanova kể có lần cô đến muộn buổi chụp ảnh thời trang cho một tạp chí, phải để mọi người chờ. Cô quá bối rối vì nguyên nhân là người trang điểm cho cô đến trễ, sau đó chăm chút quá kỹ nên mất thời gian. Katya đã xin lỗi mọi người vì sự cố này dù không phải xuất phát từ cô. Chuyện này làm cô cứ ray rứt mãi. Chị T.N, giám đốc một công ty người mẫu tại Việt Nam nhận xét: “So với người mẫu ta, người mẫu tây không bao giờ chơi xấu đồng nghiệp phía hậu trường bằng “chiêu” giấu đồ đạc hay thậm chí chôm chỉa. Họ không bao giờ đòi hỏi phải được đứng ở giữa, vị trí của ngôi sao trên sàn diễn. Họ luôn tuân thủ mọi yêu cầu của đạo diễn và nhà thiết kế. Không như người mẫu Việt đôi khi trang điểm xong còn lén tự tô thêm son phấn cho mình “đẹp”, “nổi” hơn đồng nghiệp. Người mẫu tây chẳng bao giờ bước ra sân khấu mà cố tình đứng che bạn diễn. Họ tự trọng và tự khẳng định qua năng lực, tính chuyên nghiệp khi làm việc”.
|
Dĩ nhiên, không thể so sánh chuyện “ngôi sao” trong giới người mẫu Việt với người mẫu tây bởi các chàng trai, cô gái mắt xanh chẳng hề được công chúng biết đến nên vì thế cũng chẳng thể tỏ thái độ hợm hĩnh của một ngôi sao thời trang được. Tuy nhiên công bằng mà nói, họ làm nghề với tính kỷ luật cao, không bao giờ trễ hẹn. Khi tập luyện thì cực kỳ nghiêm túc. Biết lắng nghe yêu cầu của đạo diễn và nhà thiết kế khi thể hiện bộ trang phục trên sân khấu. “Điều này là rất khác nếu so với người mẫu Việt. Họ biết cách tôn vinh bộ trang phục. Trong khi đa số người mẫu ta ra sân khấu là làm sao khán giả chú ý đến mình, cố tình kéo dài thời gian biểu diễn, làm ngược lại yêu cầu của nhà thiết kế hay đạo diễn. Ai cũng thích mình được xuất hiện sau cùng, ở vị trí trung tâm và nhiều cô luôn kè kè bên mình một chuyên gia trang điểm, rồi tự làm theo ý thích, bất kể yêu cầu của nhà thiết kế lẫn đạo diễn chương trình”, một nhà tổ chức có kinh nghiệm lâu năm trong nghề đưa ý kiến.
Lực lượng người mẫu ngoại bổ sung vào đội ngũ người mẫu tại Việt Nam tạo nên nét mới cho làng thời trang, bớt dần nhàm chán. Người mẫu ngoại còn nằm trong chiến lược PR, quảng cáo, tiếp thị của các thương hiệu nước ngoài để người tiêu dùng trong nước tiếp cận sản phẩm. Họ còn là động lực tạo nên sự cạnh tranh, từ đó những người mẫu trong nước phải nhìn lại khả năng của mình mà trau dồi thêm về nghề nghiệp, kỹ năng diễn xuất.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)