Tuy vậy, thực phẩm ăn chay thường năng lượng thấp nên ăn chay rất mau đói. Do đó, thực phẩm ăn chay nếu không đa dạng thì rất dễ bị thiếu dinh dưỡng gây ra gầy ốm và suy giảm sức đề kháng khiến cơ thể dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu chất sắt tạo máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin B12… với biểu hiện là thiếu máu có thể xảy ra do các chất này có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, gan, huyết, hải sản… và dễ hấp thu vào cơ thể. Thức ăn có nguồn gốc thực vật cũng có chất sắt nhưng tỉ lệ thấp và cũng khó hấp thu hơn.
Nếu bữa ăn chay quá đơn điệu, chỉ ăn cơm với rau cải luộc chấm tương, chao hoặc cơm muối tiêu, bún nước tương… thì nguy cơ thiếu chất là rất cao. Việc ăn thiếu chất đạm cũng có thể gây ra biếng ăn, nhão cơ, dễ nhiễm trùng. Đặc biệt ở trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và cho con bú, bệnh nhân trong giai đoạn cần dinh dưỡng phục hồi bệnh… là đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng cao, việc ăn uống thiếu chất sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và sức khỏe.
Ngược lại, nếu bữa ăn chay quá nhiều bột, đường và dầu béo thì năng lượng cao có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
Ăn chay đúng cách sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật. Ăn chay đúng cách là ăn đủ 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ để cung cấp đủ năng lượng. Các món ăn trong bữa chính phải đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm (đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành, đậu phộng, muối mè, nấm, đậu que, đậu đũa, đậu hòa lan, đậu xanh,…), dầu và rau trái. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên. Bữa ăn luôn có rau trái để có nguồn vitamin C giúp hấp thu chất sắt trong thức ăn.
Người ăn chay trường hoặc người có nhu cầu dinh dưỡng cao có thể uống thuốc bổ sung sắt, vitamin… theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)