Tăng thời gian nghỉ thai sản giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng

20/09/2011 08:07 GMT+7

(TNO) Sau hội thảo ở TP.HCM, ngày 19.9, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục tổ chức lấy ý kiến tại Hà Nội về chính sách thai sản cho lao động nữ.

Thay vì nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay, lao động nữ có thể sẽ được nghỉ thêm 2 tháng.

Tại hội thảo về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng.

Bà Nguyễn Mai Hương, Vụ Sức khỏe (Bộ Y tế) cho biết, khi thời gian nghỉ thai sản được kéo dài, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tăng lên, nhằm giúp cho trẻ nhỏ được hưởng lợi từ nguồn sữa mẹ, tăng cường sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi. 

Mặc dù rất nhiều ý kiến tán thành với phương án nghỉ thai sản 6 tháng, nhưng cũng có không ít ý kiến không đồng thuận, trong đó có 9 hiệp hội doanh nghiệp đề nghị giữ nguyên 4 tháng, lý do đưa ra là thời gian nghỉ 6 tháng quá dài. Hơn nữa, các nước xung quanh trong khu vực như: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan… đều cho nghỉ có 3 tháng.

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 89,9% lao động nữ có nguyện vọng nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: “Tiền chi chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức bình quân so với tổng số thu vào quỹ ốm đau, thai sản đạt 68,07% (trong đó chi cho trợ cấp sinh con, nuôi con  chiếm 46%). Như vậy, so với số thu còn tồn trên 30%. Tính từ năm 2007 đến hết năm 2010, số tồn quỹ ốm đau, thai sản còn trên 7.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hùng Cường khẳng định, nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ khác theo quy định hiện hành, chỉ thay đổi thời gian nghỉ hưởng trợ cấp khi sinh con lên 6 tháng thì dự tính các năm từ 2011-2030 chỉ chi bằng 92% số thu (quỹ dự phòng còn 8%). Nghĩa là, 19 năm, thu chi vẫn cân đối không lo “vỡ quỹ".

Dự kiến, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5.2013.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.