Ngày 19.9, hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đã hạ chỉ số tín nhiệm nợ công của Ý mà không cảnh báo trước, từ A+ xuống A (dài hạn) và A-1 + xuống A-1 (ngắn hạn), theo tờ Le Monde. Ý là nước thứ 5 sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Mỹ bị “mất điểm” vì khủng hoảng nợ. S&P giải thích 2 nguyên nhân chính của quyết định này là “triển vọng phát triển kinh tế ở mức thấp của Ý” và “những bất ổn về chính trị làm hạn chế khả năng giải quyết khủng hoảng của chính phủ”.
|
Theo S&P, trong trường hợp tồi tệ nhất, Ý thậm chí sẽ suy thoái kinh tế vào năm 2012, với GDP giảm 0,6%, trước khi có thể tăng trưởng “một cách khiêm tốn” trở lại trong 2 năm 2013, 2014. Trước những viễn cảnh không mấy sáng sủa này, Chính phủ Ý sẽ khó đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách. Không chỉ vậy, hiện thế đa số của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Silvio Berlusconi nắm giữ không đủ áp đảo để có thể mạnh tay thực hiện những biện pháp đột phá, trong bối cảnh Quốc hội còn nhiều chia rẽ. Chưa kể, bản thân ông Berlusconi vẫn đang gặp nhiều rắc rối từ những vụ bê bối ở tình trường nên không thể toàn tâm toàn ý cho chính trường.
Những hạn chế của Rome thể hiện rõ khi chương trình “thắt lưng buộc bụng” trị giá 54,2 tỉ euro nhằm đạt cân bằng ngân sách vào năm 2013 đã phải chỉnh sửa đến 3 lần trước khi được thông qua vào ngày 14.9. Với khoản nợ 1.900 tỉ euro, tương đương 120% GDP, những nỗ lực của Ý hiện vẫn chưa thể thuyết phục được các nhà đầu tư, dẫn đến việc bị S&P đột ngột hạ chỉ số tín nhiệm.
Trên thực tế, mức nợ công cao không hẳn lúc nào cũng kèm theo khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Điển hình là Nhật Bản hiện có khoản nợ lên đến 12.000 tỉ USD, tương đương 225% GDP, nhưng vẫn chưa bị hãng đánh giá tín dụng nào cảnh báo. Le Monde dẫn lời chuyên gia kinh tế của Đại học Science Politique (Pháp) Francesco Saraceno nhận định “những khoản nợ sẽ không gây lo ngại nếu đi kèm theo đó sự phát triển kinh tế bền vững và quản lý hiệu quả nền tài chính”. Cả 2 điều kiện này hiện không được Ý đảm bảo.
Từ nhiều năm qua, Ý có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế luôn thấp hơn bình quân của khối EU, chỉ trong khoảng từ 1-1,5%. Thậm chí, hồi đầu tháng 6, tờ The Economist còn đưa ra số liệu đáng “giật mình”: trung bình tỷ lệ tăng GDP của Ý trong giai đoạn 2000-2010 đạt 0,25%, chỉ hơn được Haiti và Zimbabwe. Nguyên nhân theo các chuyên gia là do một nền kinh tế “già cỗi”, không năng động, thiếu sự cạnh tranh.
Khối EU chắc chắn sẽ không để Ý, nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực, lún quá sâu vào khủng hoảng vì nếu phải đề ra một chương trình “cấp cứu” như với Hy Lạp, toàn bộ Quỹ bình ổn tài chính châu u sẽ cạn kiệt. Nếu như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cộng lại chỉ chiếm 6% GDP của khu vực sử dụng đồng euro thì con số này của Ý và Tây Ban Nha, một nước cũng đang bị đe dọa bởi khủng hoảng, lên đến hơn 30%.
Lan Chi
Bình luận (0)