Vợ chồng ông Nhạc, bà Phương và giấy chứng minh nhân dân của ông Nhạc, năm sinh: 1900 - Ảnh: T.T. |
Trong ngôi nhà tranh đơn sơ ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, ông vẫn đang bước tiếp hành trình 111 năm tuổi đời của mình cùng người vợ hiền chung thủy là bà Nguyễn Thị Phương, năm nay đã 88 tuổi.
Mối tình từ câu hát giao duyên
Dù tuổi đã cao nhưng ông Nhạc còn rất minh mẫn, vẫn nhớ vanh vách những sự kiện quan trọng của đời mình và những mốc biến động của lịch sử. Ông kể sinh ra trong một gia đình bần cố nông, anh em đông, nhà nghèo “không có nổi cục đất chọi chim”, quanh năm cày thuê cuốc mướn nên đến năm 40 tuổi ông vẫn chưa lập gia đình.
Mãi đến lần đi cấy mướn cho một gia đình điền chủ trong vùng, con đường tình duyên của ông mới... rẽ ngoặt. Trong lúc cấy cực nhọc, anh em vạn cấy thường hò đối đáp với nhau cho quên mệt. Ông để ý đến cô thôn nữ tuổi chừng đôi tám, vừa dễ thương vừa cấy khéo lại hò đáp rất hay. Càng lúc càng “say”, ông Nhạc mới buông câu hò: “Phải chi tui hóa đặng con dơi. Bò lên đáp xuống ở nơi em nằm”.
Không ngờ, cô gái đằm thắm đáp lại: “Phải chi em hóa đặng con tằm. Leo lên cổ áo đặng nằm với anh”. Thôn nữ làm ông Nhạc say như điếu đổ ấy chính là cô Nguyễn Thị Phương, con gái rượu của chủ nhà, mới vừa 17 tuổi. Và cô Phương cũng xiêu lòng trước tấm lòng chân thành của anh thanh niên làm mướn nên đã khuyến khích anh cậy mai mối đến xin cưới. Cha mẹ cô gái chê gia cảnh anh thợ cấy không môn đăng hộ đối nên không chịu gả con. Thế là với sự “đồng lõa” của người yêu, anh thanh niên đã dàn cảnh “trộm vợ” để nhà gái phải đồng ý cho cô gái nên duyên với mình.
Xác minh, công bố kỷ lục mới Ngày 13-9, Trung tâm Sách kỷ lục VN công bố: cụ ông cao tuổi nhất VN là ông Huỳnh Văn Lạc, 110 tuổi (sinh năm 1901), ngụ P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM. “Trung tâm đã xác lập kỷ lục cụ ông cao tuổi nhất VN là cụ Lạc. Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc có cụ ông cao tuổi hơn. Nếu có thông tin, trung tâm sẽ cử người tới tận nhà xác minh. Nếu đúng sẽ công bố người phá kỷ lục mới” - ông Nguyễn Thái Bình, Trung tâm Sách kỷ lục VN, nói. |
Cuối năm 1957, ông Nhạc bị chính quyền Sài Gòn bắt đưa đi giam giữ tại nhà lao Phú Lợi (Bình Dương). Bốn năm ròng ông ở tù cũng là ngần ấy thời gian bà vừa lo làm kiếm tiền, vừa lo đi thăm nuôi động viên chồng. Đến lúc ông được thả thì những trận đòn tra tấn trong tù khiến ông tàn tạ, mang đủ bệnh tật. Bà lại càng thương ông, chạy vạy khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc chữa trị cho ông bình phục.
Mang tiếng là Việt Minh, sống không yên với bọn tề, ấp trong làng, ông bà phải phiêu bạt khắp nơi, đến hòa bình mới về lại được quê nhà với hai bàn tay trắng. “Ở với tui, bả không có mấy ngày sung sướng.
Quanh năm vất vả, tới giờ tui cũng chưa cất được cho bả cái nhà đàng hoàng để ở. Vậy mà chưa bao giờ bả trách hờn tui một tiếng, vẫn thương tui như hồi xưa” - ông trìu mến nhìn vợ nói.
Đưa tay xoa lưng vì sợ ông mệt, bà Phương tiếp lời: “Ổng nghèo nhưng thương tui thiệt tình. Ở với nhau 71 năm trời, trừ cái đận ổng ở tù không kể, còn lại lúc nào ổng cũng lo cho tui từng chút, chưa bao giờ ổng rầy rà, to tiếng với tui. Cho tới giờ, hễ khỏe là ổng ra xách nước cho tui tắm, rồi ngồi canh chừng gần một bên vì sợ tui trượt té. Vợ chồng ở với nhau không có con, ổng sợ tui buồn nên không bao giờ đi đâu xa, cứ xẩn bẩn ở bên tui mà hủ hỉ”.
Sống thọ nhờ lạc quan
Mỗi buổi ông vẫn ăn được hơn chén cơm, và người chăm lo cơm nước cho ông luôn là người bạn đời chung thủy. Ông nói hồi xưa nghèo quanh năm ăn cơm với muối, giờ bữa ăn có được cá, thịt là đã sướng lắm rồi.
Suốt mấy chục năm trời, ông bà sống trong ngôi nhà tranh tuềnh toàng, không có cửa nẻo bởi “ối, nhà có gì đâu mà mất trộm”, thậm chí ngôi nhà ấy không có cả điện sinh hoạt và nhà vệ sinh. Nhưng trong ngôi nhà ấy lúc nào cũng tràn đầy tình yêu thương và tinh thần lạc quan vui vẻ.
Hai ông bà là cả một “kho” các câu hò cấy của vùng Nhơn Trạch xưa. Hễ được gợi hỏi về các câu hò là ông bà trở nên linh hoạt hẳn lên. Vậy là ông hò một câu, bà đáp lại một câu, cả không gian của mùa cấy xưa như hiện về trong ngôi nhà nhỏ. “Giờ già rồi, giọng hổng còn hơi, chứ hồi xưa tui với ổng mà hò đối đáp là cả ngày không hết. Thậm chí trai gái trong làng còn tình nguyện làm thay để tụi tui hò cho nghe” - bà tiếc rẻ nói.
Những lúc khỏe trong người, ông đều kiếm việc gì đó để “nhúc nhắc chân tay, chứ ở không là sanh bịnh”. Ông còn ra con mương trước nhà móc đất đắp bờ, đắp sân để vợ đi không bị trượt té.
Dịp tết năm 2010, trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai Huỳnh Văn Tới đến thăm, thấy ông bà cụ lớn tuổi mà còn vất vả nên chỉ đạo ngành điện lực mắc đường điện vào tận nhà. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng ngôi nhà tình thương, tặng một số vật dụng gia đình. Vậy là lần đầu tiên gian nhà nhỏ của ông bà có được ánh điện. Suốt mấy ngày ông đi ra đi vào, gặp ai cũng khoe như trẻ con.
“Hôm trước, mấy chú ở xã còn tặng tui với bả mỗi người một bộ áo dài màu đỏ, đẹp lắm à nghe. Thấy bộ đồ, tui chỉ muốn... làm đám cưới lại. Hồi tui cưới bả đâu có được bộ áo đẹp vậy, cũng không có nhà đàng hoàng để ở như vầy” - ông kể.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN xã Long Tân, cho biết người dân địa phương rất tự hào về vợ chồng cụ Nhạc, xem đó là tấm gương cho tình nghĩa vợ chồng thủy chung, đầm ấm, thương yêu nhau. Ngoài các khoản trợ cấp của Nhà nước, chính quyền và Hội Người cao tuổi huyện, xã thường xuyên đến thăm hỏi ông bà. Mấy tháng nay, sức khỏe bắt đầu yếu nhưng ông vẫn rất lạc quan: “Tui mới nhớ ra mấy câu hò cấy. Vài bữa nữa khỏe, tui lại hò cho mọi người nghe”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)