- Suy giáp hay nhược năng tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormon tuyến giáp (T4, T3). Các nguyên nhân gây suy giáp gồm: Viêm giáp hasimoto; viêm giáp lympho bào; thiếu i-ốt trong chế độ ăn; tuyến giáp bị phá hủy do điều trị xạ trị; do vi-rút; có bệnh lý hoặc tổn thương ở tuyến yên; do dùng thuốc hay khiếm khuyết bẩm sinh...
Việc điều trị suy giáp thường không khó. Mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn, giảm các triệu chứng nhược giáp. Khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi bằng xét nghiệm TSH, T4 mỗi tháng 1 lần cho đến khi đạt kết quả điều trị; sau đó xét nghiệm TSH, T4 thực hiện ít nhất 1 lần/năm. Điều trị suốt đời là yêu cầu phải thực hiện (trừ trường hợp bị suy giáp tạm thời do vi-rút). Nếu không điều trị sẽ tăng các nguy cơ: sinh trẻ bị dị tất bẩm sinh, bệnh tim, suy tim. Tuy nhiên, điều trị quá liều sẽ tăng nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, loãng xương. Dùng thuốc phải theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc đột ngột. Đang điều trị suy giáp cần đến bác sĩ khám ngay khi có đau ngực hoặc nhịp tim nhanh; có nhiễm trùng; các triệu chứng suy giáp nặng hơn hoặc không cải thiện; xuất hiện những triệu chứng mới. Người mắc bệnh này nên đến khám và điều trị tại các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết.
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng
Bình luận (0)