Bên cạnh những người giúp việc nhà tốt tính, cần mẫn, được chủ nhà tin cậy xem như quản gia thì lại có không ít người gây phiền toái và căng thẳng cho gia chủ.
Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ phạm pháp liên quan đến người giúp việc. Gần đây nhất, vào ngày 10.9.2011 là vụ chấn động dư luận: Võ Thị Thanh Thúy (sinh năm 1982, ngụ tại Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) bắt cóc cháu bé 3 tháng tuổi là con của bà C. ở Q.4, TP.HCM và sau đó đòi chuộc 50 lượng vàng. Ngay khi nhận được tin báo, ban chuyên án nhanh chóng vào cuộc và giải cứu thành công cháu bé, bắt các nghi can trong vụ án này (Báo Thanh Niên có bài 29 giờ giải cứu con tin 3 tháng tuổi số ra ngày 15.9). Tuy vậy, dư âm đọng lại là nỗi hoang mang, e dè của không ít người dân đối với hình ảnh người giúp việc.
Lòng tin... không cần giấy tờ
3 giờ chiều 15.9, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH du lịch Lộ Đức - nơi đã giới thiệu Võ Thị Thanh Thúy cho gia đình bà C. Công ty này nằm trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, bên hông chợ Nguyễn Văn Trỗi. Giám đốc Nguyễn Thị Dung cho biết: Trưa 2.8, Thúy đến đây tìm việc. Bà đã hỏi Thúy có giấy tờ gì không, Thúy đưa ra CMND “có dấu mộc đàng hoàng”. Hỏi tiếp sở trường là gì, cô ta nói thích trông em bé. Cô ta cũng khẳng định không bị vướng bận chuyện gia đình. Thấy Thúy đáp ứng yêu cầu của người nhà bà C., bà Dung gọi điện thông báo và được khách hàng đề nghị giữ chân Thúy. Theo hẹn, đúng 5 giờ chiều 2.8, bà Dung cho xe ôm chở Thúy qua nhà bà C. Sau khi trao đổi trực tiếp với Thúy, gia đình bà C. đồng ý nhận cô này vào làm với mức lương thử việc là 2,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Bà Dung tiến hành thực hiện hợp đồng tuyển dụng lao động, giữ 1 bản photo CMND của Thúy và thu phí của gia đình bà C. 400 ngàn đồng tiền môi giới.
Bà Dung nói: “Khi xảy ra chuyện, người nhà bà C. đến công ty tôi mượn lại hồ sơ của Thúy, vì họ không có trong tay giấy tờ gì về Thúy! Vì tin tưởng Thúy, họ đã cho cô ta lấy lại CMND và không làm tạm trú tạm vắng”. Một điều trớ trêu nữa là, cán bộ Phòng Lao động - Tiền Lương - Tiền công thuộc Sở LĐ-TB và XH TP.HCM khẳng định với PV Thanh Niên vào chiều 16.9 rằng Công ty TNHH du lịch Lộ Đức không có giấy phép giới thiệu việc làm.
Những người giúp việc trong độ tuổi teen thường chỉ làm một tay thôi, còn tay kia… bận nghe điện thoại. Tôi nhắc đến khản cổ mà họ không thay đổi!
Chị T. - chủ một tiệm tạp hóa gần cầu Văn Thánh, TP.HCM |
|
Cũng vì cả tin nên một đôi vợ chồng trẻ (vợ người Việt, chồng người Đức) từng thuê nhà sống trên đường D1, P.25, Q.Bình Thạnh cũng bị người giúp việc nhiều lần cạy tủ lấy tiền. Bà L. - đối diện ngôi nhà đôi vợ chồng này từng thuê, kể: “Có lần ô-sin đó còn qua nhà tôi gửi 5 triệu đồng. Tôi cứ tưởng đó là lương cô ta dành dụm được. Sau này đôi vợ chồng nọ phát hiện bị mất tiền quá nhiều, đã báo công an bắt cô ta”.
Chị Th. (cũng ngụ ở P.25, Q.Bình Thạnh) tỏ ra tiếc nuối khi nhắc đến chiếc đồng hồ xinh xắn vốn là kỷ vật của vợ chồng chị đã bị ô-sin lấy cắp. Ngoài ra, em chồng chị Th. cũng bị mất sợi dây chuyền bởi người giúp việc do chính chị “tiến cử” cho gia đình chồng.
”Chỉ làm một tay thôi...”
Chưa đến nỗi bất an như khi gặp đạo chích nhưng có những gia chủ cảm thấy khó chịu bởi cách hành xử của ô-sin. Chị Thanh Trà, làm việc cho một công ty nước ngoài tại TP.HCM, cho hay: Mỗi lần về nhà, chị thấy nhức đầu vì hai người giúp việc cứ “tố” nhau, chị phải làm quan tòa bất đắc dĩ. Trước đó, chị Trà đã cho hai ô-sin nghỉ việc. “Một người thích can thiệp sâu chuyện gia đình tôi khiến vợ chồng tôi mấy phen xào xáo. Còn một người lại hướng con tôi theo tính cách, chế độ ăn uống của họ” - chị Trà thở dài.
|
Khoảng 3 năm nay, nhà chị T. - chủ một tiệm tạp hóa gần cầu Văn Thánh, TP.HCM - đã đón và tiễn 7 người giúp việc. Trong số đó, có cô gái mới 19 tuổi được chị mướn phụ bán hàng trong dịp tết, thỉnh thoảng mới nội trợ. Cô này làm từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30, cơm nước xong thì vào phòng ngủ của chủ nhà, mở máy lạnh đánh một giấc đến… hơn 4 giờ chiều. Nhiều lần đích thân chị T. vào kêu, cô nàng mới chịu dậy. Một ô-sin cùng quê Bảo Lộc, Lâm Đồng với chị thì có thói quen “công chức”: cứ chiều thứ sáu hằng tuần là xin quá giang xe hơi em trai chị T. (đang làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân tại TP.HCM) về thăm quê. Và mãi đến sáng thứ hai cô mới trở lại TP.HCM làm việc. Chị T. than: “Những người giúp việc trong độ tuổi teen thường chỉ làm một tay thôi, còn tay kia… bận nghe điện thoại. Tôi nhắc đến khản cổ mà họ không thay đổi!”.
Nhiều chủ nhà cho hay, có những người muốn nghỉ việc thường bịa chuyện cha/mẹ ở quê đang đau ốm nặng. Họ còn nhờ người thân gọi điện tả bệnh tình và năn nỉ chủ nhà cho “em cháu” về thăm mấy hôm. Chị O., một công chức ngụ trên đường Trần Huy Liệu, Q.3, chua chát kể: “Mình hay rơi vào những cảnh đó, song lần nào cũng bán tín bán nghi. Mình nghĩ, nếu thực tế là vậy mà không cho họ về thì nhẫn tâm quá. Thế là cho họ ứng trước lương, rồi sắm sửa thêm áo quần, quà bánh, tặng tiền tàu xe… Đau nhất là trong khi mình mòn mỏi chờ đợi họ trở vào thì bất ngờ phát hiện người ta đang làm phục vụ quán ăn chỉ cách nhà mình có vài căn!”.
Để đối phó với người giúp việc “có vấn đề” hay đơn thuần chỉ để nắm bắt tình hình ở nhà lúc mình đi vắng, một số chủ nhà bấm máy ghi âm sẵn hoặc lắp đặt camera… Song song đó, có những chủ nhà sử dụng giải pháp “ngọt” hơn để chuyển hóa hay níu chân người giúp việc, như: chịu chi tiền mua quà cáp, thức ăn ngon lạ, nói năng nhẹ nhàng, khen thưởng... Thậm chí, có một số quý cô quý bà “cưng” ô-sin hơn bản thân. Bằng chứng như chị Ngọc Kiều (Q.1, TP.HCM), tết năm rồi bóp bụng mua vé máy bay khứ hồi cho ô-sin ra Bắc thăm quê, trong khi chị đi đâu cũng chỉ đi bằng xe đò hoặc tàu lửa. Hằng tháng, ngoài khoản lương, chị tặng thêm cho người giúp việc 300 ngàn đồng gọi là khoản khuyến khích phí vì đã “làm việc giỏi, thương con chị”.
Ý kiến Đau khổ vì bị nghi ngờ Trước đây tôi chỉ là người nội trợ, còn chồng tôi là trụ cột. Từ khi anh ấy qua đời đột ngột, tôi phải đi làm giúp việc nhà để kiếm sống và nuôi con. Những ngày này tâm trạng tôi rất nặng nề, đau khổ vì chủ nhà nghi tôi đánh cắp chiếc hộp đựng nữ trang. Tôi sẽ ráng tiếp tục giúp việc cho bà để chứng minh tôi không làm cái việc xấu xa đó. Đã ba năm nay, tôi làm công việc này cho gần chục gia đình mà đâu bị tai tiếng gì. (Chị T.T - tạm trú trên đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) Chủ nhà cũng cần xem lại Có những chủ nhà coi chúng tôi như kẻ ở đợ, muốn sai việc hay xài xể lúc nào cũng được. Sợ nhất là ở mấy nhà có “dê cụ”, “dê con” kiếm trò sàm sỡ… Chủ nhà cũng cần xem lại chuyện lương bổng, thái độ đối xử hay những lý do khác để hiểu hơn vì sao chúng tôi lại bỏ họ ra đi. (N.T.Q, 26 tuổi, người giúp việc nhà ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) “Chiêu” kiểm tra nhân thân Có những lúc bức bách quá, tôi đành chấp nhận trường hợp chẳng có giấy tờ tùy thân do trung tâm môi giới đưa đến. Khi đó, tôi “dụ” người giúp việc nhanh chóng lấy điện thoại di động của tôi để gọi cho những người thân. Từ đó, tôi mới có chút manh mối. (Chị Nhật Oanh - chủ nhà, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) Được chủ nhà cho đi học Vừa rồi, tôi thi đậu trung cấp kế toán trường ĐH Công nghiệp 4, TP.HCM nhưng hoàn cảnh khó khăn quá nên tôi không đi học được. May mắn, chủ nhà cho tôi trích lương đóng học phí, cho mượn xe đạp và đặc biệt là tôi chỉ làm việc buổi sáng, còn buổi chiều đến trường. Tôi thấy ấm áp lắm vì được đối xử như người nhà. (N.H - quê ở tỉnh Quảng Ngãi, giúp việc cho gia đình bà Liên, đường D1, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) |
Như Lịch
Bình luận (0)