Theo vị Chủ tịch hội đồng quản trị Agribank, nợ xấu của đơn vị này chủ yếu nằm trong tín dụng đầu tư bất động sản vào các năm 2008, 2009 tại Hà Nội và TP.HCM. Với các khoản tín dụng nông nghiệp, nông thôn; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2%.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã trích dự phòng rủi ro để cân đối, bù đắp, tính đến cuối năm nay là gần đủ. Xem nợ xấu là xem chênh lệch giữa nợ xấu đó với dự phòng rủi ro đã trích đủ chưa. Tôi có thể nợ xấu 10 đồng, nhưng tôi trích 9 đồng rồi, thì ko có vấn đề gì với thanh khoản, tài chính cả”, ông Bảo giải thích.
Vị lãnh đạo của Agribank cũng lạc quan cho biết, trong suốt thời gian qua, thanh khoản của Agribank luôn tốt và đơn vị này luôn cung ứng vốn cho thị trường liên ngân hàng.
Dù vậy, ông Bảo phải thừa nhận việc thu hồi vốn cũng là vấn đề khó do thị trường ảo, mất cân đối cung cầu. Trong khi đó, ngân hàng nhà nước lại hạn chế tín dụng bất động sản, vốn không luân chuyển, nhà đầu tư nước ngoài lại không tiếp tục đầu tư.
Nói về phương án thu hồi nợ xấu, Chủ tịch hội đồng quản trị Agribank cho biết, sẽ phân tích các khoản vay, nếu vẫn nằm trong giới hạn an toàn thì cân đối lại. “Nếu không an toàn, sẽ bán tài sản để thu hồi nợ. Nhưng việc này chưa biết bao giờ mới hoàn tất”, ông Bảo nói.
Nói về khả năng giảm tỷ lệ nợ xấu trong năm nay ông Bảo tự tin: “Từ giờ đến cuối năm, chắc chắn nợ xấu sẽ giảm, nhưng đến khi nào thu hồi được hết thì còn phụ thuộc vào thị trường”.
Theo con số Agribank công bố hôm nay, tổng tài sản đơn vị này đạt khoảng 540.500 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 8. Trong đó, dư nợ tín dụng là 416.000 tỷ đồng. Trong số này, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 67,5%. Theo kế hoạch của ngân hàng này, trong năm tới sẽ đưa tỷ trọng tín dụng nông nghiệp, nông thôn lên 80%.
Lê Quân
Bình luận (0)