Hội thảo do Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Công ty CP Tri thức doanh nghiệp quốc tế tổ chức tại TP.HCM vào ngày 22.9.
Nguồn NLCLC luôn được coi là nhân tố quyết định cho sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng, theo số liệu thống kê năm 2010 của các cơ quan chức năng, trong số 20,1 triệu lao động (LĐ) đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 LĐ đang làm việc thì chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cấp.
Một thực trạng hiện nay là nhân lực đào tạo các bậc hằng năm vẫn tăng, nhưng đội ngũ NLCLC vẫn rất thiếu so với nhu cầu xã hội. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực luôn ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng NLCLC như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo…
|
Các ý kiến cho rằng, chính hệ thống giáo dục, đào tạo còn nhiều bất cập; việc thiếu thông tin về cung cầu lao động; sự yếu kém trong công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội là những nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn NLCLC.
PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện kinh tế VN) nói thẳng: “Chúng ta luôn tự hào người VN rất thông minh, cần cù, hiếu học. Nhiều năm qua, địa phương nào cũng lấy nguồn nhân lực làm khâu đột phá nhưng “đột” mãi cũng không được, ở đâu cũng kêu ca thiếu người tài, đất nước chưa giàu… Chung quy cũng vì hệ thống giáo dục của ta có vấn đề”.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí chia sẻ: “Trở về VN sau nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi thực sự sửng sốt khi thấy xã hội có quá nhiều bằng cấp. Ấn tượng hơn là trên danh thiếp của nhiều vị còn in một loạt học hàm, học vị được cấp ở nhiều trường đại học ở Mỹ mà sau này qua tìm hiểu tôi biết đó là những trường không được ngành giáo dục nước này chấp chận, tức là văn bằng “dỏm”. Thực tế, qua làm việc với những người có bằng cấp kiểu này, tôi thấy kiến thức và kinh nghiệm của họ đều kém, không thể gọi đó NLCLC hoặc người tài được”.
Cũng theo vị tiến sĩ này, việc gần đây dư luận đặt vấn đề về học hàm, học vị do trường nước ngoài cấp cho vài vị cán bộ ở một số bộ, ngành đáng để xã hội phải suy ngẫm rằng không nên tôn sùng bằng cấp quá mức.
Phân tích nguyên nhân thiếu hụt người tài, tiến sĩ Đỗ Thị Loan (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) thẳng thắn: “Đơn giản bởi vì người tài khó chen chân được vào những ngành có bổng lộc cao, vốn ưu tiên cho con em, cháu chắt của những vị cán bộ, lãnh đạo của ngành đó. Chính tệ “con ông, cháu cha”, “bệnh” cục bộ địa phương, nạn “chạy chọt” vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan Nhà nước đã góp phần triệt tiêu người tài”. Do vậy, bà Loan đề nghị, ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, cần tạo sự công bằng cho mọi người được cạnh tranh bình đẳng, nhằm phát huy cao nhất năng lực của người lao động, đặc biệt là người tài.
|
“Chất lượng giáo dục và đào tạo được coi là chìa khóa để phát triển nguồn NLCLC”. Từ nhận định trên, các đại biểu đề nghị Nhà nước cần phải nhanh chóng cải cách hệ thống giáo dục đào tạo. Giáo dục phải thực sự được xem là quốc sách hàng đầu, là ngành mũi nhọn và Nhà nước cần đầu tư kinh phí thỏa đáng cho đào tạo nguồn NLCLC đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.
Mặt khác, cần sớm có chính sách rõ ràng, minh bạch, đúng đắn đối với việc sử dụng, trọng dụng nhân tài, nhất là các nhà khoa học và chuyên gia có tài năng cống hiến; có những chính sách ưu đãi riêng để thu hút nhân tài... Cùng với việc khai thác và tận dụng lợi thế nguồn lực trong nước, cần gấp rút hoàn thiện thêm chính sách thu hút và huy động các nguồn lực từ bên ngoài bao gồm đội ngũ trí thức Việt kiều và du học sinh ở các nước tiên tiến.
GS-TS Trương Giang Long, Phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý là cực kỳ quan trọng. “Ông bà ta có câu “Một người lo bằng cả kho người làm”, một người tài, có năng lực trình độ quản lý, lãnh đạo giỏi sẽ biết định hướng, sắp xếp, tổ chức, sử dụng đội ngũ chuyên gia giỏi. Trên cơ sở đó, hiệu quả, năng suất sẽ cao hơn so với người non kém về năng lực, trình độ, hiểu biết, quản lý”, ông Long phân tích.
Minh Nam
Bình luận (0)