Đối với đại đa số người dân Việt Nam, Truyện Kiều đã trở thành “máu thịt” ngay từ thời thơ ấu. Chính vì đã quá quen, nên khi bắt gặp thân phận, tâm trạng của Kiều qua nét vẽ của nữ họa sĩ Ngọc Mai, ta thấy một cảm xúc vừa quen vừa rất lạ…
|
Ngọc Mai kể rằng từ thời còn là nữ sinh trung học chị đã bị Truyện Kiều hút hồn, đọc đi đọc lại mãi đến nỗi thuộc cả 3.254 câu Kiều. Mê vẽ và có năng khiếu mỹ thuật từ nhỏ, nên chị ấp ủ nỗi khát khao “một ngày nào đó sẽ vẽ, sẽ khắc họa một chân dung Kiều theo đúng như mình vẫn nghĩ và hình dung Kiều từ trong ký ức thời thơ ấu”… Thế nhưng, cuộc đời không bằng phẳng như vậy, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”, nên chỉ khi đã tạm yên với những lo toan đời thường, chị mới tìm về với niềm đam mê ban đầu: vẽ tranh lụa, bởi loại hình nghệ thuật này hết sức gần gũi với một tâm hồn đa cảm và đầy nữ tính như chị.
|
Tự học là chính, đồng thời được sự hướng dẫn nhiệt tình của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và họa sĩ Trần Văn Phú, Ngọc Mai dần dần nắm vững những kỹ thuật vẽ tranh lụa. Tuy nhiên, để thực hiện bộ tranh Kiều, chị đã phải bỏ ra 12 năm để nghiền ngẫm. Như một đạo diễn phim, chị nhẩm lại toàn bộ truyện Kiều và phân cảnh: “Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh… Chàng Vương quen mặt ra chào/Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”… Đoạn “Kim - Kiều hội ngộ” này sẽ vẽ như thế nào? Rồi đoạn “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên” phải vẽ làm sao để cái “tòa thiên nhiên” ấy toát lên một vẻ “trong trắng, ngọc ngà”. Đáng nói là, tất cả các nhân vật trong Tranh lụa Kiều đều được Ngọc Mai vẽ trong trang phục thuần Việt, dẫu rằng bối cảnh của câu chuyện xảy ra từ “Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh…”.
Ấp ủ, đầu tư suốt 12 năm để chỉ vẽ 28 bức tranh lụa về Kiều, quả là “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)